Xuân Thành by night
Buổi tối bãi biển Xuân Thành là một thế giới khác hẳn. Xe con, xe máy từ đâu đổ về nườm nượp, đa phần là biển 37 và 38. Thi thoảng mới có chiếc xe ca to kềnh càng biển Hà Nội. Khách nghỉ, khách nhậu và khách…tò mò làm phố biển trở nên sôi động. Dọc con đường đất cát ven biển có đến hàng chục hàng trăm chiếc xe máy chạy đi chạy lại liên tục, hết xuôi lại ngược, không ngơi không nghỉ. Quan sát kĩ chúng tôi phát hiện ra trên xe là những nhân viên phục vụ ở các quán chở đằng sau vắt vẻo những cô gái mà ông chủ quán Thùy Dương hồi trưa gọi là “nàng tiên mực”. Những chiếc xe chở các em vào các nhà nghỉ ở bên kia sông Mỹ Dương, “đổ khách” lại đón những em khác về. Các dãy nhà lá ven biển ngập ngụa ánh đèn vàng. Một anh trong đoàn chúng tôi bình luận trông tấp nập và chuyên nghiệp như trung tâm điều hành taxi. Đúng là như trung tâm điều hành taxi thật. Xe ra xe vào đâu ra đấy, có quy củ hẳn hoi theo sự điều hành từ xa của không phải một mà hàng chục “trung tâm” vốn dĩ là các quán xá trá hình.




[replacer_img]





Vào mỗi dịp hè, lượng khách du lịch đổ về bãi biển Xuân Thành đều tăng cao





Theo lời của một vị chức sắc trong huyện (xin được giấu tên) thì toàn bộ bãi biển Xuân Thành hiện có 220 hộ kinh doanh các dịch vụ ăn uống, lưu trú . Hộ nào cũng có nuôi “em út”. Hộ ít nuôi dăm ba đào, hộ “làm ăn lớn” thì lúc cao điểm có tới vài chục đào. Có lẽ Xuân Thành là điểm du lịch duy nhất trên cả nước mà lượng “em út” còn đông hơn cả dân địa phương lẫn khách du lịch gộp lại. Vì thế mức độ phục vụ cũng như giá cả dịch vụ ở Xuân Thành cũng cực kì cạnh tranh. Chính quyền cũng đã ra quân dẹp vài lần, nhưng cũng chỉ được mươi hôm rồi đâu lại vào đấy.
Tôi quyết định tách khỏi đoàn để khám phá đêm Xuân Thành. Trên con đường đến quán cafe ban trưa tôi liên tục bị các em lẫn nhân viên các quán xá chèo kéo với cả những lời lả lơi lẫn sỗ sàng. Ông chủ quán Thùy Dương vừa thoáng thấy tôi là nhận ra ngay chào hỏi niềm nở “Thấy chưa, tui đã biểu với bác đến quán tui mầm răng mà về được, kiểu chi bác chả quay lại”. Nói rồi ông chủ chỉ tay vào khoảng chục cô gái đang ngồi đánh bài bàn bên cạnh bảo tôi thoải mái tùy chọn, ưng em nào ông sẽ gọi em phục vụ đến nơi đến chốn. Tôi nấn ná bảo kết em gái hồi trưa. Ông chủ gật đầu ra vẻ thông cảm bảo thế thì tôi phải “xếp hàng”, uống tạm chai bia chờ 30 phút, em xong việc ông sẽ ưu tiên cho gọi ngay. Ngồi một mình uống bia tôi quan sát được khối điều hay ho. Cứ dăm ba phút ông chủ lại có một cuộc điện thoại. Sau mỗi cuộc điện thoại lại có một hai em ngồi bàn bên được điều đi, rồi lại có những em khác quay về. Thi thoảng có dăm vị khách nồng nặc mùi bia rượu chui vào những dãy nhà trọ lúp xúp sau quán, mãi chẳng thấy quay ra. Ngoài khơi nhấp nhô những đôi nam nữ tình tứ bên nhau. Nhìn xa chẳng ai có thể phân biệt được đâu là những cặp tình nhân, đâu là khách hàng của dịch vụ cho thuê người tắm chung mà ban trưa ông chủ giới thiệu.
Bi kịch “Cô Tấm ngày nay”
Có lẽ thấy tôi ngồi lâu, ông chủ lại đến kể đủ thứ chuyện. Ông bảo đào hạng nhất của quán ông trung bình một ngày phục vụ 14 lượt khách, hôm cao điểm có khi lên tới 20 lượt. Tiền nong sòng phẳng, mỗi lượt khách nhà hàng và đào chia đôi. Tiền ăn ở, phấn son quần áo chủ quán chịu. Vì thế nhân viên chỗ ông tháng thu nhập trên chục triệu là bình thường. Sau vài năm lăn lộn là có ít vốn liếng giắt lưng, mua con xe đẹp, về quê mở quán cafe hay gội đầu, lấy anh chồng là yên ấm. Ai biết đấy là đâu. Mà người miền ngược cũng không quan trọng chuyện trinh tiết như người xuôi. Ông còn tự hào chỗ ông cũng giúp khối cô gái đổi đời. Có em còn xem ông như ân nhân, giải nghệ lấy chồng rồi vẫn điện thoại thăm hỏi, tết nhất còn ghé chơi. Thì ra ở đây Tú Bà thời nay cũng có cái đạo của nó, tôi vừa nghĩ vừa cảm thấy ê hề chua xót thay cho thân phận những cô gái lầm lạc sa chân vào chốn này.




[replacer_img]





'Đào' ở Xuân Thành hoạt động khá chuyên nghiệp (Ảnh minh hoạ)





Khoảng 9h tối thì cô gái ban trưa ông chủ giới thiệu “xong việc” về quán. Ông chủ gọi cô lại ngồi bàn tôi. Cô rất ngạc nhiên khi có vị khách thay vì chui vào dãy lán lụp xụp hay những nhà nghỉ bên kia sông mà lại đề nghị cô cùng đi dạo trên bãi biển. Cô giới thiệu tên là Linh. Cô bảo ở đây tên gọi của cô là Linh, còn ở nhà cô tên là Tim. Cô quê ở huyện Tương Dương, xuống đây làm hơn một năm. Năm nay Linh 19 tuổi, nếu không xuống đây năm ngoái đã ở nhà lấy chồng cùng bản. Linh hồn nhiên khoe với tôi em đắt khách nhất ở đây, mới đi làm hơn một năm mà đã sắp đủ tiền mua điện thoại, xe máy. Em bảo nếu cứ ở quê thì có lẽ cả đời lên nương cũng không dám mơ. Tết vừa rồi về quê, thấy Linh có nhiều quần áo đẹp, son phấn bố mẹ cũng mừng. Linh cũng không giấu bố mẹ công việc của mình. Các bạn cùng bản nhiều người còn đề nghị Linh dẫn xuống chỗ làm giới thiệu. Linh cũng có dẫn một người bạn thân nhưng do da cô bạn đen quá nên ông chủ không nhận. Linh còn bảo đang tính sang năm em gái Linh lớn hơn tí chút sẽ dẫn em vào nghề. Linh bảo em Linh xinh nhất bản, xuống đây chắc chắn hốt ra tiền… Linh cũng đã có người yêu, anh ấy làm kiểm lâm. Linh giấu anh bảo xuống đây làm bưng bê cafe. Linh tâm sự với tôi nếu công việc yên ổn chỉ 2 năm nữa là cô sẽ có ít vốn về bản lấy chồng. Linh dự định sẽ đi học tại chức trung cấp y để về trạm xá làm y tá. Nhà Linh có bà con làm cán bộ ở trạm xá…
11h đêm tôi về khách sạn. Những câu chuyện của ông chủ quán Thùy Dương và nhất là niềm vui hồn nhiên của Linh làm tôi ám ảnh. Tôi không tài nào ngủ được. Có lẽ nào những cô gái quê lại dễ dàng chấp nhận và hài lòng với cuộc sống phù phiếm và tiềm ẩn những bất trắc ở vùng biển hoang sơ nhưng không yên ả này như thế?




Xem thêm:
- Đạo của má mì ở Thiên đường sung sướng Xuân Thành





Theo ngaynay.vn

View more the latest threads: