Tóm tắt kì trước: Có phần yên tâm với chiếc mảng đóng tạm và buổi chạy thử nghiệm, Tim và ông Lường Viết Lợi đi đến quyết định sẽ bắt tay vào làm chiếc mảng tre cho hành trình hơn 5 ngàn dặm lênh đênh trên biển. Liệu một chiếc mảng tre thô sơ của người thợ Sầm Sơn có thể nào chinh phục được đại dương?


Khá hài lòng với chiếc mảng thử nghiệm, Tim cùng với chúng tôi bắt tay ngay vào công đoạn tìm kiếm và lựa chọn nguyên liệu. Thời điểm ấy chúng tôi cũng chỉ biết tham gia tư vấn cho Tim về nguyên liệu, còn phần vận chuyển và chặt cây phải được sự cho phép của biên phòng. Một ngày cuối tháng 8 năm 1992, chúng tôi đi vào khu rừng thuộc huyện Quan Hóa tìm nguyên liệu. Để đến được khu rừng trồng luồng phải vượt qua một con suối lớn, sau đó men theo một con đường nhỏ dẫn vào rừng. Khi nhìn thấy những cây luồng cao tầm khoảng trên 15 mét, Tim rất thích thú.







Chiếc bè mảng được hoàn tất để hạ thuỷ





Theo thiết kế và tính toán từ mô hình, để hoàn thiện chiếc bè dài 18m cần phải dùng đến 220 cây tre, mỗi cây phải đủ chiều dài 9m, và chắc chắn là nó là những cây có chất lượng tốt nhất. Đồng thời cũng phải cần đến 36 miếng gỗ lấy từ những cành cong tự nhiên, để làm dầm ngang cho chiếc mảng, và phải đúng theo kích cỡ bản thiết kế. Phần nguyên liệu đã có, việc cuối cùng là chờ phía biên phòng chở tre về Sầm Sơn. Một ngày sau khi chúng tôi cùng với Tim đi xem nguyên liệu, 350 cây tre đã được mang đến đúng theo lịch trình, công việc cuối cùng chỉ còn là chọn ngày khởi công. “Tim rất cẩn thận, ông ấy đã nhờ sư thầy xem cho ngày tốt để khởi công. Kỳ lạ thay, ngày mà sư thầy chọn để Tim tiến hành làm chiếc bè theo kích cỡ thiết kế, được chọn vào đúng ngày 25/12/1992 đúng ngày mà dân làng chài chúng tôi tưởng niệm ông tổ của mình. Hôm đó thời tiết rất xấu, trời mưa và lạnh nhưng tất cả đội thợ đều có mặt tham gia và đảm bảo đúng kế hoạch ban đầu”, ông Lợi chia sẻ.
Mặc dù đã làm mảng tre rất nhiều, và kinh nghiệm cũng không thiếu. Tuy nhiên, những ngư dân Sầm Sơn lại chưa bao giờ làm một chiếc mảng to và lớn theo như thiết kế của Tim Severin, bởi thế họ cảm thấy lo lắng, ông Lợi kể: “Chúng tôi đã yêu cầu Tim cung cấp cho một chuyên gia kỹ thuật. Ngay tối hôm 25/12, Nick Burningham một kỹ sư đóng tàu người Australia đã được Tim mời đến. Sự xuất hiện của Tim không chỉ giúp chúng tôi tự tin , mà công việc ghép mảng cũng được tiến hành nhanh hơn và chính xác hơn”.







Những người thợ Sầm Sơn cần mẫn thực hiện bè mảng





Việc đầu tiên là lột vỏ, và loại bỏ các mấu bám xung quanh đốt tre, nói lột chứ thực ra là cạo đi lớp vỏ bóng phía ngoài. Sau khi cạo, tre sẽ được quét lên một lớp thuốc tự nhiên để chống sâu bọ và mọt. Theo ông lợi cho biết, lớp thuốc tự nhiên ấy được chế biến từ cây sống đời, kết hợp với nước biển và vôi, sau đó giã nhuyễn. Khi lớp thuốc tự nhiên khô đi, theo sự chỉ đạo của Tim chúng tôi phải quét lên một lớp sơn nữa, mà loại sơn này được chế từ cây sơn tự nhiên có ở rừng Quan Hóa, mục đích là chống lại những con hà ăn tre ở biển. Tuy nhiên, một điều hết sức kinh khủng với đội thợ, khi dung dung dịch sơn quét lên cây tre, rất nhiều người trong đội thợ chúng tôi bị sơn “ăn” khiến cho chân tay phồng rộp, ngứa ngáy. Nhiều người phải cần đến sự giúp đỡ của các bác sĩ, vì nó có khả năng nguy hiểm đến tính mạng.
Điều khó khăn nhất trong quá trình làm mảng có lẽ là việc uốn cong thân tre, và giáp nối nó lại với nhau. Theo thiết kế, chiếc mảng sẽ có chiều dài khoảng 18m, nhưng các cây tre được mang về chỉ dài 9m, nên cần phải được nối lại với nhau. Điều quan trọng là các mối nối phải nằm trên cùng một mặt phẳng. Khi đó Nick đã hướng dẫn chúng tôi làm theo vài cách của anh ấy, nhưng không thành công. Phải đến khi một số cụ già trong đội thợ đưa ra ý kiến dùng lốp xe đốt và hơ nóng để uấn cong thân tre, Tim thấy có vẻ hợp lý nên đồng ý cho chúng tôi thực hiện. Khi mới thực hiện, công việc không được như chúng tôi mong muốn, các thân tre hoặc bị gẫy, hoặc bị cong vào phái bên trong. Khi đó chúng tôi nghĩ có thể là do tre còn ướt, phải đợi 2 – 3 hôm sau cho tre khô bớt nhựa mới thực hiện được. Quan trọng hơn, việc hơ lửa cũng khá vất vả bởi ở ngoài bãi biển gió rất to, lửa lại không tập trung. Theo tính toán, khoảng thời gian gần sáng ở biển thường ít gió hơn, vì vậy chúng tôi quyết định làm việc từ 4h sáng. Khi thấy được sự hăng say và quyết tâm của chúng tôi, Tim cũng không muốn ngăn cản, bởi ông ấy nghĩ về phần kinh nghiệm chúng tôi hơn hẳn ông ấy. Cuối cùng phần uấn cong chiếc mảng đã được hoàn thành như mong muốn
(còn nữa)




Xem thêm:
- Thánh phượt người Việt: Bắt tay vào công việc chế tạo bè tre
- Thánh phượt người Việt: Nhà thám hiểm đi được thì ngư dân cũng đi được!





Theo ngaynay.vn

View more the latest threads: