Hơn 50 năm qua, ngày nào ông Quý cũng có mặt ở vị trí quen thuộc dưới chân dưới gốc cây đa bên Hồ Gươm với hộp đồ nghề và tấm biển nhỏ “Khắc bút tặng phẩm”. Dù thu nhập từ nghề khắc bút không nhiều, nhưng đối với ông, được làm việc mình thích, được thỏa chí “tang bồng” đã là một niềm hạnh phúc.







Ngày nào ông Quý cũng miệt mài ngồi cạnh Hồ Gươm khắc bút cho khách





Trong câu chuyện với chúng tôi, ông như được trải lòng mình: Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con ở Hưng Yên, ông Quý chỉ học đến lớp 3 rồi nghỉ. Vất vả mưu sinh khắp phố phường của Hà Nội cũng chẳng đủ ăn. Trong một lần lang thang dọc bờ hồ, phố cổ, trông thấy các cửa hàng khắc bút tấp nập khách ra vào, thế là ông quyết định học nghề khắc bút. “Thời học lớp vỡ lòng chẳng có bút mà học nên tôi luôn khát khao được cầm chiếc bút. Và thế là yêu luôn cái nghề khắc bút từ lúc nào không hay”. Ông Quý cười hóm hỉnh.
Bắt đầu sự nghiệp khắc bút từ khi mới 20 tuổi, nhưng tài khắc của ông đẹp và tinh xảo đến độ nhiều người chỉ chờ để được ông khắc bút. Những nét vẽ trên bút được ông thể hiện hết sức mềm mại, tinh tế, vì thế khách hàng luôn tìm đến người “nghệ sĩ khắc bút” dưới gốc đa này để có được những chiếc bút khắc ưng ý.







Đồ nghề khắc bút của ông Quý rất đơn giản





Quan sát ông Quý khắc bút, tôi thấy sự tỉ mỉ, khéo léo thể hiện rõ qua từng nét vẽ, từng đường khắc. Trước khi quyết định mở hộp lấy đồ nghề ra khắc bút cho khách, ông đều ngắm nghía, định hình thật chuẩn xác rồi mới khắc. Chỉ chưa đầy một phút, những nét chữ như phượng múa rồng bay khắc tên của đôi uyên ương lồng vào nhau đã được ông “thổi hồn” trước đôi mắt thích thú, tỏ rõ sự ngưỡng mộ của hai vị khách trẻ.
Ông Quý tâm sự: “Những năm chiến tranh, bộ đội và nữ sinh hầu như ai cũng khắc bút làm kỷ vật. Với họ, cây bút ngày ấy giống như một người bạn. Trước khi ra mặt trận hay trước ngày nhập ngũ, thanh niên đều mang bút ra Bờ Hồ để khắc tên hoặc những dòng lưu niệm. Ngày ấy, dù có rất nhiều người làm nghề khắc bút nhưng lúc nào khách cũng đông, thợ khắc làm luôn tay vẫn không hết việc. Giờ thì...”.







Những chiếc bút được ông Khắc hết sức tỷ mỷ





Câu nói bỏ lửng của ông như chứa chất bao điều về thời “hoàng kim” của một nghề đã đi sâu vào tiềm thức những người yêu Hà Nội. Bởi hiện nay nghề khắc bút đang dần mai một và ngày càng ít người biết tới, bây giờ chỉ còn ông là người duy nhất làm cái nghề này ở Hà Nội. “Cửa hàng” của ông Quý cũng ngày càng vắng khách qua lại hơn. Mặc dù vậy nhưng người thợ già vẫn duy trì công việc như một thú vui.
Không chỉ khắc bút, ông Quý còn nhận khắc trên tranh sơn mài, điện thoại di động, bật lửa hay laptop. Chỉ với 10.000 đến 20.000 đồng là khách hàng đã có thể được ông Quý “bán” cho một tác phẩm nghệ thuật trên bút. Có người yêu cầu ông khắc cả những hình thù phức tạp như cây cối, hoa lá, ông đều đáp ứng được nhờ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo. Cũng có rất nhiều khách người nước ngoài đi du lịch Hà Nội đã ghé qua chỗ ông để nhờ khắc bút làm kỉ niệm. Nhiều du khách muốn lưu lại hình ảnh đặc trưng của Việt Nam lên bút, ông Quý đã chọn những hình ảnh về cây tre, hoa sen, rồi những hình ảnh về Hà Nội như Tháp Rùa, Khuê Văn Các... để vẽ cho họ. Vừa vẽ, ông vừa giới thiệu để du khách hiểu hơn về những nét độc đáo trong cách thể hiện những hình ảnh đó. Chính vì thế, mà mọi người dù không khắc bút cũng muốn được ngồi nghe ông kể chuyện... Tiếng cười nói râm ran làm sôi động cả một góc bên Hồ Gươm đầy nắng.







Ông quý là cười duy nhất còn làm cái nghề khắc bút ở đất Hà Thành





50 năm gắn bó với nghề, ông Quý không nhớ nổi mình đã “thổi hồn” cho bao nhiêu cây bút. “Ở tuổi này rồi, nhưng được ngồi đây, được chứng kiến sự đổi thay của Hà Nội từng ngày, từng giờ tôi cảm thấy rất vui. Tôi sẽ còn theo nghề khắc bút này đến khi đôi tay không còn cử động, đôi chân không bước được nữa mới thôi”. Ông Quý bộc bạch.
Xem thêm:
-Gặp gia đình nghệ nhân làm nghề mặt nạ giấy bồi cuối cùng trên đất Hà Thành
-Giải mã hoàng bào nghi là của vua Hàm Nghi
-Hy vọng mới cho các di sản Hà Nội




Theo ngaynay.vn

View more the latest threads: