Sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, tham gia kháng chiến khi còn rất trẻ, học nghề bác sĩ giữa rừng sâu, nơi bom đạn dội trên đầu, cứu người trong cận kề cái chết..., bác sĩ Thái Thị Tuyết Mai là người đã được trao tặng nhiều huân, huy chương Nhà nước và cũng là người bác sĩ chưa bao giờ “dừng làm công việc của người thầy thuốc” sau gần 20 năm kể từ ngày về hưu đến nay. Ngày ngày bà vẫn đều đặn đến những phòng khám từ thiện, tham gia các chuyến khám bệnh thiện nguyện cho dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa.
Cô giao liên tuổi 12

Cô bé giao liên ấy chính là Thái Thị Tuyết Mai, sinh năm 1941, là con của Mẹ Việt Nam anh hùng Thái Thị Nhạn, mà tên hiện nay được UBND TP Hồ Chí Minh chọn để đăt cho đoạn đường từ đường Ni Sư Huỳnh Liên đến đường Vườn Lan thuộc phường 10, quận Tân Bình). Mười hai tuổi, bà đã làm giao liên cho các cô chú, canh giữ cho ba mẹ họp, rải truyền đơn…
Tháng 11/1954 bà tập kết ra bắc “một mình” theo chế độ “Cha mẹ công tác tại miền nam”. 14 năm tại miền bắc, từ một cô bé giao liên bà đã trưởng thành, học ngành y năm 1961, rồi trở thành nữ bác sĩ quân y, phục vụ chiến trường. Bà kể: “Ngày ấy có những trận đánh ác liệt, người bị thương cứu không xuể, nhưng các anh, các chị gan dạ lắm, có nhiều người cắn răng chịu đau “để mổ sống” lấy đầu đạn ra, vì ngày ấy các phương tiện và công cụ ngành y không hiện đại như bây giờ”…
Tận tâm, thận trọng để cứu người

Năm 1968, bà đi B, trở về nơi đã sinh ra sau 14 năm tập kết ra bắc. Khi ấy bà hoạt động tại chiến trường Nam Bộ (Quân khu Sài Gòn - Gia Định) là bác sĩ Bộ Tư lệnh Thành. Bà từng giữ chức: Bí thư Quận ủy quận 2, sau đó là Trưởng khoa Nội A - Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5, TP Hồ Chí Minh cho đến ngày về hưu (năm 1998).







Bác sĩ Thái Thị Tuyết Mai khám chữa cho bệnh nhân





Dù là bác sĩ điều trị trong thời chiến hay thời bình, bà luôn thận trọng trong việc chẩn đoán và kê toa cho bệnh nhân. Bởi vì, với bà, “Sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng không thể sửa chữa, nếu người thầy thuốc không thận trọng trong chẩn đoán bệnh và không hết lòng với bệnh nhân”. Không biết bao nhiêu bệnh nhân khi gặp bà đã được tận tình cứu chữa. Bệnh nhân nào nghèo, bà hướng dẫn họ xin các chế độ. Bà nhiệt tình vì bệnh nhân đến nỗi lãnh đạo nhầm tưởng đó là người nhà của bà. Nhưng với bà, đã là bệnh nhân, mọi đặc quyền điều trị như nhau, bà sẵn lòng “chia sẻ những đồng lương” của bà cho họ. Sự thận trọng và lòng tận tâm ấy đã đi theo bà suốt cuộc đời, cho đến bây giờ, khi đã ở tuổi 74, khi đặt chiếc ống nghe vào tai, bà vẫn nhắc nhở mình phải thận trọng, khi đặt cây viết ghi đơn thuốc, bà cũng nhắc mình phải thận trọng, bởi chỉ cần lơ là chút xíu, chủ quan chút xíu, thay vì chữa lành bệnh, bà sẽ là làm cho bệnh trở nặng, làm cho bệnh nhân hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng phục hồi…
Tiếp nối yêu thương

Tấm lòng thương yêu người nghèo, sẵn lòng sẻ áo nhường cơm dù đồng lương của một bác sĩ không là bao. Vừa là người mẹ, vừa là người cha nuôi hai con gái khôn lớn… nhưng tấm lòng bà vẫn trải rộng như những tán cây cổ thụ che mát bao mảnh đời khốn khó, không nơi nương tựa, bệnh tật hiểm nghèo.
Về hưu với tấm bằng bác sĩ chuyên khoa 1 cộng với những kinh nghiệm của trưởng khoa một bệnh viện lớn thì việc hợp tác với các phòng khám tư để khám bệnh với một khoản lương khá cao là điều không mấy khó, nhưng bà đã từ chối để cộng tác với Hội Chữ thập đỏ quận 1, khám, chữa bệnh tại các phòng khám từ thiện của Hội. Cách đây 20 năm, các dịch vụ khám, chữa bệnh chưa “nở rộ” như ngày nay, có không ít người bệnh nghèo, không có khả năng đến bệnh viện để điều trị.
Hiện nay, vào các ngày thứ hai, tư, sáu bà làm việc tại “Phòng khám nhân đạo Chữ thập đỏ - Cơ sở 2 - Nhà thờ Chợ Quán”, quận 5. Các ngày thứ ba, năm bà làm việc tại “Phòng khám nhân đạo Chữ thập đỏ quận 1”. Ngày thứ bảy và chủ nhật bà dành cho những chuyến đi khám bệnh phát thuốc cho nhân dân vùng sâu, vùng xa. Là “Trưởng phòng khám” tại hai cơ sở mà mọi chi phí khám và cấp thuốc đều miễn phí, bà không nhận lương, chỉ nhận một số tiền hỗ trợ đi lại khoảng một triệu đồng/tháng. Bệnh nhân đến phòng khám của bà đều là người nghèo, có người ở tận Đồng Nai, Bình Dương, Long An với nhiều nghề khác nhau: chạy xe ôm, bán vé số dạo, làm khuân vác, khuyết tật… rất nhiều số phận và hoàn cảnh khác nhau , có người nghèo quá, không đủ khả năng làm xét nghiệm bà cho tiền, đói bà cho cơm ăn… Nguyễn Thị Minh Hường, con gái thứ hai của bà cũng theo học ngành Dược để “cùng làm việc không lương với mẹ”.
Nhà không có gì nhiều, chỉ có bằng khen là nhiều thôi”, bà nói, mắt ánh lên nụ cười hồn hậu. Hạnh phúc với bà là cho đi và đón nhận.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Đề xuất bổ sung quyền được chết: Rào cản về tâm lý, đạo đức
- Bạc Liêu: Bé trai 8 tuổi bị cưa chân do bác sĩ thiếu kiến thức chuyên sâu
- Sẽ đổi màu đồng phục bác sĩ, y tá để người dân dễ dàng phản ánh thái độ phục vụ?







Theo ngaynay.vn

View more the latest threads: