“Cái bụng không đáy”
Để mục sở thị dị nhân ăn nhiều này chúng tôi đã không quảng đường xá xa xôi tìm về nơi ông Lự sinh sống. Về đến đất Đồng Thái, Ba Vì, hỏi ông Lự làng Tăng Cấu không ai là không biết. Khi thấy chúng tôi hỏi thăm đến nhà ông Lự, một phụ nữ chạc 60 thánh thót nói: “Ông Lự nổi tiếng ở đây là ăn nhiều đấy, ông ấy được mệnh danh là “trạng ăn” ở xã này, mỗi bữa ông ấy ăn cả mấy bát tô cơm, ai mà thách ông ấy ăn cũng phải chịu thua cả. Mà đến khi ông ấy làm thì cũng không ai bằng, nhà có bao nhiêu ruộng, đầm một mình ông ấy làm tuốt, “nhoằng” cái là xong”.







Về đất Đồng Thái hỏi ông Lự 'Trạng ăn' không ai là không biết





Đến gặp ông Lự vào một buổi trưa, vừa thấy ông chúng tôi khá bất ngờ, bởi lúc đầu, trong suy nghĩ của chúng tôi, “trạng ăn” phải là người to lớn vạm vỡ lắm. Thế nhưng, vẻ ngoài của ông trái ngược hoàn toàn với những gì chúng tôi đã dựng lên trong trí tưởng tượng. Ông gầy gò, thấp bé và chỉ nặng 45 kg và trẻ hơn so với tuổi phải vài chục năm.
Khi hỏi vì đâu mà người ta gán cho ông cái danh “trạng” ăn thì ông cười bảo: “Tôi hơn người ta cái nước ăn nhiều. Một mình tôi có thể ăn hết suất của 5-6 người khác”. Rồi ông bảo với chúng tôi, bây giờ cũng đến bữa trưa rồi, mời cô chú ở lại ăn cơm cùng gia đình rồi tôi sẽ ăn cho cô chú coi.
Thế là mâm cơm được vợ ông dọn ra, ngồi cạnh chồng bà Tâm bảo: “Nhà tôi ăn cơm thì thức ăn cũng như các nhà thôi hôm thì cá, hôm thịt canh rau hay trứng… chỉ có nồi cơm là đặc biệt, nhà tôi dù thông thường chỉ có hai ông bà với cháu nhưng lúc nào cũng nấu một nồi đầy bằng 7 – 8 người ăn”.
Mọi người cùng ăn nhưng chỉ ăn được một vài bát thì dừng và xem ông ăn. Trước khi ăn cơm ông khai vị một bát cháo đầy, rồi ông mới bắt đầu ăn cơm. Ông ngồi ăn, lúc nào nói chuyện với chúng tôi thì ông ăn chậm lại, còn không ông chỉ chan canh ăn một lèo cái là hết bát cơm. Đến khi kết thúc bữa cơm, cũng là lúc cơm trong nồi không còn, nhìn ông chúng tôi ăn ướm chừng khoảng 20 bát cơm.
Vợ ông Lự nhìn chúng tôi cười nói: “Mọi ngày ông cứ ăn khoảng 6 bát tô cơm mỗi bữa, mỗi bát tô phải bằng 3 bát cơm. Tôi cứ quan niệm ăn nhiều là khỏe nên tôi không bao giờ kìm chế ông ăn cả, cứ để ông ăn no thì thôi. Hôm nay ông ăn vậy là cũng vừa rồi nhưng còn cơm thì ông vẫn còn ăn được nữa”.







Ông Lự có thể ăn hết cả nồi cơm mỗi bữa





Ông Lự bảo: “Trước kia nhà tôi nuôi cả mấy trăm con vịt, cứ buổi sáng tôi mang rổ đi nhặt trứng phải cả trăm quả. Nhưng tôi chỉ luộc ăn trong vài ba bữa là hết. Còn buổi sáng mà đi ăn phở ít nhất tôi phải ăn được 4 bát. Rượu thì một chai tôi chỉ uống một hơi là hết”.
Có lần ông Lự lên thành phố (Trung tâm TP. Hà Nội) đi ăn cơm ông phải gọi 6 suất ăn mới bõ, ông ăn mà người nào người nấy cứ tròn mắt nhìn. Rồi khi ông đi siêu thị với con gái ông mua 8 cái bán mì đặc ruột dài bằng cánh tay ấy, mọi người ăn 1 cái còn lại mình ông đánh chén sạch 7 cái còn lại.
Theo ông Lự thì trước đây không ít phen ông khiến người dân làng Tăng Cấu phục lăn lóc cái tài ăn của mình. Ví như cách đây 3 năm, “trạng ăn” cũng khiến mấy vị hậu bối phải ngậm ngùi móc tiền trong túi trả tiền thua cược. Hôm ấy là buổi liên hoan lại mặt sau lễ thành hôn gái ông Dĩ (xóm Trung, thôn Tăng Cấu).
Thấy ông Lự ăn 6 bát cơm đầy, gắp thức liên hồi lại tu thêm bát nước canh, cánh hậu bối gồm ông Thơ, ông Chức, ông Nghiệp, ông Giàng, ông Đức tìm cách thách đố: “Nếu bác ăn được hết đĩa xôi trên mâm và một đĩa xôi nữa, mỗi người sẽ biếu bác 50.000 đồng. Thấy thế, ông Lự gọi chủ nhà mang thêm hẳn 2 đĩa xôi (mỗi đĩa khoảng 0,6 kg) và ăn hết. Nói chung bây giờ trong làng ít ai dám thách thức “trạng” ăn vì chẳng ai biết đâu là “giới hạn đựng” của cái bụng ông Lự.
“Ăn nhiều vác nặng”
Thấy ông ăn nhiều chúng tôi cứ nghĩ người đàn ông tóc đã hoa râm này phải nắm giữ trong tay mình bí quyết gì đặc biệt lắm. Thế nhưng ông cười hề hà bảo: “Tôi vốn khỏe từ trong trứng kia, khi lớn lên có nghe mẹ kể lại lúc bà mang bầu tôi không hề đau ốm gì cả, vẫn đi làm đi đây đó khỏe lắm. Đến lúc sinh thì sinh cũng rất nhanh, tôi sinh ra được 2,5 cân. Mọi người bảo tôi vừa sinh ra tay chân đã quẫy rất nhiều và ngịch ngợm”.
“Thế rồi lớn đến đâu tôi ăn khỏe đến đấy, mẹ cho ăn bao nhiêu cũng ăn hết, chẳng ói mà cũng không ốm đau bệnh tật. Tôi còn nhớ lúc tôi khoảng 12 tuổi tôi đã ăn được 10 bát, loại bát chãng ngày xưa to bằng 1,5 bát cơm bình thường bây giờ”. Ông Lự chia sẻ.







Dị nhân ăn nhiều du tuổi đã cao nhưng mắt vẩn sáng





Có thể nói ông rất khỏe mạnh, chưa bao giờ người ta thấy ông ốm. Và dường như câu “ăn nhiều vác nặng” rất đúng với con người ông. Thời còn là anh lính biên phòng, Đại đội trinh sát Độc Lập 44 (thuộc Quân khu Tây Bắc) từ năm 1961 đến năm 1965. Khi ấy đi bộ đội mỗi tháng người ta chỉ phát cho 21 cân gạo khiến ông ăn rất đói. Mỗi ngày ông phải vào làng xin thêm 4-5 quả bầu để ăn cho đỡ đói. Ông ăn nhiều nhưng làm thì cũng nhiều, mỗi lần ông đào hầm, đào đường phải bằng 4-5 người cộng lại. Ông cũng luôn là người xung phong đi xuyên núi xuyên rừng mỗi khi có nhiệm vụ đặc biệt.
Vỗ tay vào cái bàn xà cừ dày bịch mình đang ngồi, ông kể về lai lịch của nó: “Năm 1996, người ta mở rộng quốc lộ 32, phải chặt một cây xà cừ lớn rồi cưa thành 4 khúc, mỗi khúc dài 2m. Tôi thấy 3 công nhân làm đường mới khênh được một khúc có đường kính 55 cm nên vào giúp một tay. Ông Đức (phụ trách thi công tuyến giao thông) thấy thế nói: “Ông vác được khúc gỗ về nhà (quãng đường hơn 2 km) mà không để rơi thì tôi cho ông luôn”. Ông Lự nhờ 2 người khênh khúc gỗ đặt lên vai cho cân, rồi vác phăng phăng về khiến những người ở đó ai nấy đều ngỡ ngàng, thế là ông có gỗ làm bàn”.
Tưởng chừng chỉ thời trẻ ông mới có được sức khỏe như thế, vậy mà dù đã 76 tuổi nhưng một mình ông vẫn cày cấy gần mẫu ruộng, rồi đào ao thả cá làm đầm ông đều làm hết. Nói chung hàng ngày, ông vẫn làm những việc nặng mà bình thường chỉ có thanh niên trai tráng mới làm nổi.







Dị nhân ăn nhiều bê cả tạ sắn cho phóng viên xem





Để chứng minh sức khỏe của mình với chúng tôi, ông vào nhà lôi ra một bì sắn to và vác lên cho chúng tôi xem. Nhìn bì sắn tôi (30 tuổi) cũng muốn thử sức nặng của nó xem mình có vác được không? Thế nhưng, chỉ kéo cái bì dưới đất tôi cũng không làm được vì nó quá nặng, ướm chừng cả trăm cân. Vậy mà với cụ ông đã qua cái tuổi thất thập ấy lại vác lên một cách rất nhẹ nhàng làm tôi vô cùng thán phục sức khỏe của ông.
Dù cao tuổi, nhưng ông vẫn giữ cho mình thói quen luyện tập thể dục đều đặn vào mỗi buổi sáng. Cứ ngày nào cũng chừng 5h sáng, ông đã trở dậy đánh răng rửa mặt rồi ra khoảnh sân nhỏ trước nhà vươn vai, luyện gân cốt khoảng 30 phút. Ngoài ra ông còn tập luyện võ thật, những bài quyền mỗi ngày. Có lẽ cũng vì thế mà sức khỏe ông càng tốt hơn.
Thế rồi ông chia sẻ: “Thật ra tôi chẳng có bí quyết gì đặc biệt đâu. Tôi khỏe mạnh thế này là nhờ tinh thần lúc nào cũng thoải mái, hay nói hay cười. Tự biết tìm niềm vui cuộc sống trong cái bình dị của làng quê. Hơn nữa mình làm nhiều nên phải ăn nhiều mới có sức mà lam làm chứ”.
Xem thêm:
-Ba Vì - Điểm đến cuối tuần lý tưởng cho gia đình bạn
-Hội Lim: Du khách thập phương nô nức chụp ảnh cùng “dị nhân” tóc rồng
-Chuyện lạ về Hội Lim




Theo ngaynay.vn

View more the latest threads: