Cuối năm, các gia đình làm bánh tráng ở làng Túy Loan (Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng) lại rộn rã “đỏ lửa” làm bánh để kịp giao cho khách hoặc để dùng dịp Tết và biếu trong gia đình. Chiếc bánh đơn giản nhưng không thể thiếu trong mỗi gia đình Đà Nẵng, Quảng Nam.
Từ đầu năm theo lịch dương, nhà bà Đặng Thị Tùng (76 tuổi, thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong) tấp nập người đặt hàng từ khắp nơi. Bà Tùng là một trong những người làm bánh tráng lâu đời ở làng Túy Loan. Đến nhà vào lúc này, thấy cả gia đình bà được “huy động”, người giã tỏi, giã gừng, người tráng bánh, phơi bánh… “Cách đây một tháng, gia đình tôi đã bắt đầu nhận những đơn đặt hàng Tết. Bánh tráng để được đến hai tháng nên có thể làm sớm để kịp giao hàng mà không sợ hư. Ngoài giao cho khách, các gia đình chung quanh cùng thường mang bột tới nhờ chúng tôi. Công sá chẳng bao nhiêu, nhưng là bà con trong làng nên giúp nhau”, bà Tùng chia sẻ.
Bánh được tráng hai lớp đều tay để không quá dày hoặc quá mỏng. Điều đặc biệt hơn là bánh tráng ở Túy Loan không phơi nắng mà sấy trên than hồng. Làm vậy bánh không chỉ giữ được lâu, mà khi nướng chín bánh rất giòn, mang mùi thơm đặc trưng của gia vị và của bánh. “Để bánh ngon, thơm, giòn trước hết là ở khâu chuẩn bị nguyên liệu. Gạo thường được ngâm trước một đêm rồi mới xay. Gừng và tỏi giã nhuyễn rồi thêm mè (vừng), mắm (hoặc muối) và đường trộn lẫn vào nhau. Thường thì mỗi ang (8kg gạo) làm được khoảng 200 chiếc bánh, ngày thường gia đình tôi làm hai ang hoặc hơn”, bà Tùng “bật mí” bí quyết làm bánh của mình.
Cận Tết là khoảng thời gian bánh tráng được đặt hàng và tiêu thụ khá nhiều. Các gia đình ở đây thường dậy từ ba, bốn giờ sáng để làm bánh. Gia đình chị Nguyễn Thị Thu (50 tuổi, thôn Bồ Bản 1) làm bánh tráng quanh năm. Ngày thường gia đình chị làm từ 300 đến 500 chiếc để giao cho các chợ, cửa hàng… Cận Tết, mỗi ngày chị làm hơn 1.000 chiếc bánh tráng mà vẫn không kịp giao hàng. “Dịp này hàng tiêu thụ nhiều nên chúng tôi tranh thủ làm. Công việc gấp đôi so ngày thường, nên không chỉ mọi người trong nhà phụ giúp mà chúng tôi còn thuê thêm người phụ”, chị Thu nói.









Ảnh minh họa.





Theo phong tục, trên các mâm cúng của người Quảng Nam - Đà Nẵng không thể thiếu bánh tráng. Bánh như một món “tráng miệng” sau mỗi bữa ăn, đặc biệt trong dịp Tết, khi các thành viên gia đình cùng nhau sum họp. Bởi vậy, nhiều gia đình người dân xứ Quảng biết làm bánh tráng. Đến nay, nhiều hộ vẫn giữ nét truyền thống, gần Tết lại đắp lò và đỏ lửa để làm vài trăm bánh vừa dùng, vừa biếu họ hàng bè bạn.
Tuy nhiên, bây giờ làng Túy Loan chỉ có gần chục hộ gia đình làm bánh tráng quanh năm. Anh Hoàng Văn Học (50 tuổi) chồng chị Thu là “tay tráng bánh” chính của gia đình tâm sự: “Cả đời gia đình đã làm bánh tráng, cái nghề nuôi cả nhà, nuôi mấy đứa con ăn học khôn lớn. Nhưng tôi không bắt buộc các cháu phải lựa chọn theo nghề của mình. Nếu có ai muốn học nghề, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm”.


Để giữ nghề và nâng cao chất lượng, quảng bá hình ảnh sản phẩm bánh tráng, hợp tác xã Hòa Phong đã được thành lập. Giờ đây, bánh tráng Túy Loan đã được khoác trên mình mẫu mã, bao bì và thương hiệu riêng, góp phần làm đậm đà thêm hương sắc những mâm cúng dịp Tết cổ truyền.

>>> Xem thêm
Thả cá, đừng thả túi nylon!
Phần mềm trên điện thoại giúp khách đi taxi Mai Linh chủ động chọn tài xế
Cập nhật tình trạng sức khỏe các nạn nhân bị xe Audi tông tại sân bay Tân Sơn Nhất
Hợp tác cùng Thời Nay








Theo ngaynay.vn

View more the latest threads: