Nhà văn Trang Thế Hy sinh ngày 9/10/1924 tại Bến Tre. Năm 2014 khi ông tròn 90 tuổi, NXB Trẻ đã mua tác quyền trọn đời của ông, dù cả đời ông viết không nhiều. Năm đó, tuy tuổi cao nhưng ông vẫn rất minh mẫn và thường xuyên theo dõi thời sự văn chương trong và ngoài nước.





Chân dung nhà văn Trang Thế Hy của họa sĩ Nguyễn Trung.




Nhiều người biết đến nhà văn Trang Thế Hy qua bài hát Quán bên đường do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ Cuộc đời của ông ký bút danh Minh Phẩm. Bài thơ này in trên báo Vui sống năm 1959 tại Sài Gòn do nhà văn Bình Nguyên Lộc thực hiện.


Nguyên gốc bài thơ có tên Đắng và ngọt, nhưng Bình Nguyên Lộc cho rằng cái vị của cuộc đời đa dạng lắm chứ không chỉ có đắng và ngọt nên sửa lại tên bài thơ. Năm 2009, NXB Thanh Niên in tập thơ song ngữ Đắng và ngọt, đây cũng là tập thơ đầu tay của ông Tư Sâm (tên gọi thân mật của nhà văn Trang Thế Hy). Năm 2014, tập thơ này được NXB Trẻ mua bản quyền cùng với nhiều tác phẩm văn xuôi khác của ông; Đắng và
ngọt được dịch lại sang tiếng Anh chỉn chu hơn so với bản dịch năm 2009.


Xin nói thêm, một dạo nhiều người có nhầm lẫn đôi chút khi cho rằng bài thơ Đắng và ngọt là của nhà văn Bình Nguyên Lộc sáng tác tự in trên báo của mình. Sự nhầm lẫn này cũng có lý do, vì thời điểm bài thơ in trên Vui sống, nhà văn Trang Thế Hy đang ở trong chiến khu. Người đang ở trong chiến khu thì ít ai viết như thế này: “Nghe anh theo nghề viết/ Nghệ thuật là gì em muốn biết/ - Mùi tanh nói mùi
thơm / cây bút cầm trên tay: cần câu cơm/ Đó, em ơi! Nghệ thuật/ Nhắm mắt, quay lưng chào sự thật/ Rồi đôi ta nhìn nhau/ Không ai đánh mà nghe đau”.


Còn khi phổ nhạc, Phạm Duy đã chỉnh sửa đôi chút để hợp với khuôn nhạc Quán bên đường: “Rồi em hỏi anh: làm chi?/ Cầm bút để viết ngày đêm, viết gì?/ Ðời thối phải nói là thơm/ Ngòi bút là chiếc cần câu miếng cơm/ Em hỏi nghệ thuật là chi?/ Là đui, là điếc, là câm mà đi/ Nhìn nhau lặng lẽ nhìn nhau/ Nào có ai đánh mà sao lòng đau”.


Hoàng Nhân/Thể thao và Văn hóa





Theo ngaynay.vn