Mới đây, vụ việc em Trần Quang Hy, học sinh tại trường THCS Phạm Đình Hổ (quận 6, TP HCM), bị bạn học cùng lớp tống tiền trong 3 năm liên tiếp khiến dư luận xôn xao.


Cũng từ đó, dư luận đặt ra nghi vấn, nguyên nhân nào khiến các học sinh tuy còn nhỏ tuổi nhưng lại gây ra hành động sai trái này trong suốt một thời gian dài?


Chia sẻ quan điểm dựa trên góc độ tâm lý, thạc sỹ tâm lý học Nguyễn Thanh Nga cho biết, vụ việc các học sinh tống tiền bạn học trong 3 năm liên tiếp có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như nhu cầu tiêu tiền nhưng không có tiền, tâm lý đua đòi theo bạn bè. Đồng thời, các em muốn thể hiện bản thân mình mạnh mẽ hơn những bạn cùng trang lứa khác. Hay nói cách khác, các em muốn thể hiện tính “đàn anh, đàn chị”, thấy bạn yếu thế hơn nên có những hành động như trên.


Thế nhưng, trong thực tế, có rất ít các bậc phụ huynh hiểu rõ những thay đổi tâm lý của trẻ trong giai đoạn này. Nhiều người thường bỏ qua những biểu hiện tâm lý không mấy rõ ràng của trẻ trong cuộc sống thường ngày mà không có sự điều chỉnh kịp thời. Ngoài ra, trong trường hợp tống tiền trên vì ko có sự can thiệp của nhà trường và gia đình nên sự việc tống tiền bạn kéo dài trong 3 năm liên tiếp.





Sự việc tống tiền bạn học suốt 3 năm liên tiếp khiến nhiều người bất ngờ.


Th.s Nga nhấn mạnh: “Các học sinh THCS trong độ tuổi từ 11 đến 15 là giai đoạn quan trọng phát triển về mặt thể chất và tinh thần. Các em bước vào thời kỳ có những biểu hiện thay đổi về mặt tâm lý. Chúng tôi dùng thuật ngữ: “giai đoạn dở ông dở thằng” để chỉ sự phát triển của trẻ ở giai đoạn này”.


Ở độ tuổi này, các em thường muốn chứng tỏ mình đã lớn, thường xuyên có những hành động “bắt chước”, học theo người lớn như những gì các em chứng kiến và quan sát trong thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là các em vẫn chưa đủ kinh nghiệm để phân biệt, nhận thức và có kỹ năng để xử lý và thực hiện hành động phù hợp với đạo đức, chuẩn mực xã hội.


Theo Th.s Nga, việc bắt nạt bạn bè trong một thời gian dài là hành động có ảnh hưởng xấu tới việc hình thành và phát triển tính cách, tâm lý của một đứa trẻ. Nếu không bị phát hiện, đứa trẻ sẽ hình thành tư tưởng “lấn át” nếu chúng nhận thấy người khác yếu thế hơn chúng. Và sự lấn át này không chỉ đối với 1 cá nhân mà chúng sẽ tìm cách bắt nạt mọi người yếu thế nếu chúng có cơ hội. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự hình thành của tính “côn đồ”, không ngại va chạm của
nhiều học sinh trng giai đoạn hiện nay.


Còn với những học sinh bị bắt nạt, sẽ có tâm lý sợ hãi, không muốn đến lớp. Đồng thời, chính những tác động tiêu cực về mặt tâm lý đã khiến em có những hành động ảnh hưởng đến nhân cách như ăn trộm tiền, nói dối để có tiền đưa cho bạn...


Trẻ bị bắt nạt trong thời gian dài sẽ cảm thấy tội lỗi, tự ti và sẽ có thể có hành động dại dột trong thực tế. Đồng thời, những tổn thương về mặt tinh thần vì liên tục sống trong lo sợ sẽ ảnh hưởng sẽ đến tính cách của các em. Khiến các em mất đi tính mạnh dạn, luôn sống trong tâm lý lo lắng, ảnh hưởng đến kết quả học tập...


Minh Sơn



Theo ngaynay.vn