Theo trang mạng Oddity, hệ thống rễ cây phức tạp có nhiệm vụ giống như những cái chân, giúp cây liên tục di chuyển về phía ánh sáng mặt trời khi chuyển mùa. Mỗi ngày cây di chuyển được 2-3 cm, ước tính cả năm lên tới 20m.


Các hướng dẫn viên rừng nhiệt đới ở những nước Mỹ Latinh như Ecuador thường xuyên kể khách du lịch nghe về những cái cây kỳ lạ.





Loài cây biết đi trong rừng nhiệt đới ở Ecuador.


Câu chuyện phổ biến nhất là cây di chuyển chậm chạp để tìm kiếm ánh mặt trời, nó sẽ mọc thêm những rễ mới về hướng có ánh sáng rồi để các rễ cũ tự chết. Những rễ bất thường tách ra từ thân cây cho cảm giác như cây có "chân".


Khi đất xói mòn, cây lại mọc thêm các rễ mới, dài để tìm kiếm nền đất cứng hơn, có khi rễ dài đến 20m.


Sau đó rễ sẽ định vị ở khoảng đất mới còn cây thì nghiêng mình đầy kiên nhẫn về phía rễ mới, các rễ cũ nhẹ nhàng nâng lên. Toàn bộ quá trình để cây có thể đến "nơi ở" mới có nhiều ánh sáng hơn và nền đất chắc hơn diễn ra trong khoảng vài năm.


Tuy vậy, đa số các nhà khoa học không tin rằng loài cây có thể thực sự di chuyển. “Một cái cây có thể di chuyển đến nơi có ánh sáng mặt trời chỉ là câu chuyện tưởng tượng. Cây không thể di chuyển trừ khi có tác động từ bên ngoài”.





Nhà sinh vật học và là Giám Đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững ở Costa Rica, Gerardo Avalos cũng cho rằng cây không thể biết đi. “Tôi có các tài liệu chứng minh rằng cây biết di chuyển chỉ là thêu dệt”.


“Đây chỉ là câu chuyện để các hướng dẫn viên thu hút khách du lịch đến với các rừng nhiệt đới”, Avalos nói thêm.


Nhưng dù là bí ẩn hay chuyện thêu dệt, loài cây biết đi đang tiếp tục thu hút các du khách trên khắp thế giới đến với Ecuador.


Đăng Nguyễn



Theo ngaynay.vn