Bắt nguồn từ câu chuyện lịch sử có thật, hơn 700 năm qua, 2 làng Vân Đài và Tam Đường (xã Chí Hòa, tỉnh Thái Bình) dù ở gần nhau nhưng không có đôi nào lấy nhau.


Sở dĩ, người dân hai làng Vân Đài và Tam Đường (thuộc xã Chí Hòa, huyện Hưng Hòa, tỉnh Thái Bình) không có đôi nào lấy nhau là bởi họ đã xin kết làm chị em. Tục giao chạ này được ghi vào hương ước của hai làng, các gia đình ở đây đều giáo dục con cháu coi nhau như ruột thịt trong nhà. Dù không cùng một cha mẹ sinh ra nhưng cũng không bao giờ kết làm phu thê.


Tương truyền rằng, vào thời Trần, vua Trần Nhân Tông sinh hạ được hai công chúa là Huyền Trân công chúa và Diệu Dung công chúa. Hồi nhỏ, hai công chúa sống với nhau gắn bó, keo sơn. Đến tuổi trưởng thành, nước ta bị giặc Nguyên Mông xâm lược. Ðể giữ hòa khí với Chiêm Thành, tập trung đối phó với quân Nguyên Mông, Huyền Trân công chúa được gả cho vua Chiêm là Chế Mân.





Tượng thờ Huyền Trân công chúa. Ảnh: Internet

Một năm sau thì Chế Mân chết. Chiếu theo luật tục của Chiêm Thành, khi vua mất thì Hoàng Hậu phải hỏa thiêu theo chồng. Huyền Trân công chúa may mắn được Trần Khắc Chung cứu thoát. Bà trở về, được vua cha ban hiệu Diệu Từ Ân công chúa, ngự tại phủ Tân Cương (nay là thôn Thái Đường) cùng vua cha lo việc chống Nguyên đi tới thắng lợi cuối cùng. Khi Huyền Trân mất (năm 1340), dân làng Thái Ðường (nay là thôn Tam Ðường, xã Tiến Ðức) lập đền thờ bà để tưởng nhớ công ơn.


Nói về công chúa Trần Ngọc Dong (hiệu Diệu Từ Dong công chúa), bà được vua cha cho ở lại kinh thành lo việc sản xuất lương thực, cung cấp quân lương phục vụ vua tôi nhà Trần chống giặc. Bằng tài năng, lòng say mê mở mang vùng đất, khai phá ruộng đồng trồng lúa, công chúa Diệu Dong đã khai phá cả một vùng đất rộng lớn Duyên Hà, Tiên Hưng, đắp đê ngăn lũ, chống nước biển xâm thực ruộng đồng.




Miếu thờ Diệu Dung công chúa tại làng Vân Đài (Xã Chí Hòa, Hưng Hà). Ảnh: Internet

Trong một lần vi hành qua vùng đất có 36 gò nổi lên giữa mênh mang sông nước, ngẩng đầu nhìn lên, bà thấy ẩn hiện trong quầng mây ngũ sắc chiếc đài sen huyền diệu, xung quanh mây trời bao phủ trắng xóa. Cho rằng đó là điềm lạ, công chúa đặt tên vùng đất này là Vân Đài.



Ngày 15 tháng Chín âm lịch, công chúa mất, dân chúng trong vùng vô cùng thương tiếc, tôn bà là Thánh Mẫu, xây miếu Đường Đài tại mộ. Sau đó, lập đền thờ ở giữa làng.


Ðể tưởng nhớ và tri ân công đức của hai chị em công chúa, cứ vào ngày giỗ của Huyền Trân công chúa (15/2 âm lịch), thôn Tam Ðường mở hội, dân làng Vân Ðài chạ dưới cử 64 người quần áo chỉnh tề lên tổ chức tế lễ, tổ chức giao hiếu. Ngược lại, vào ngày giỗ của Diệu Dung công chúa (ngày 15/9 âm lịch) khi làng Vân Ðài mở hội thì 84 người làng Tam Ðường chạ trên xuống tổ chức tế lễ, tổ chức giao hiếu.


Suốt hai ngày diễn ra tục giao chạ, dân hai làng có dịp chia sẻ vui buồn, cách làm ăn, phát triển sản xuất kinh doanh và giao lưu văn hóa văn nghệ. Người dân chạ Vân Ðài gặp người dân chạ Tam Ðường ở bất kỳ lứa tuổi nào đều gọi là anh/chị và xưng em một cách tự nhiên, trân trọng. Còn người dân Tam Ðường gặp chạ em Vân Ðài luôn luôn thân chiều nhau như anh chị em ruột thịt lâu ngày gặp lại. Những thời khắc gặp mặt tại các gia đình luôn được thể hiện trong bầu không khí đoàn kết, ấm cúng và
thân thiết. Khi chia tay, dân hai làng bịn rịn tiễn chân nhau ra tận đầu làng.


Đến nay, trải qua hơn 700 năm, lễ giao chạ vẫn được nhân dân hai làng gìn giữ. Đây là một nét văn hoá đặc sắc khó tìm thấy ở một vùng quê nào khác.


Kim Cúc





Theo ngaynay.vn