Luật tục người Cơ Tu quy định, để trở thành thành viên, được quyền thiết lập quan hệ hôn nhân là cá nhân đó phải trải qua nghi lễ "căng tai - cà răng".



Tục lệ cà răng và căng tai của người Cơ tu ở Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế, đã trở thành nét văn hóa đặc trưng. Cụm từ "cà răng – căng tai", trước đây được dùng để quan niệm mang tính miệt thị, nhưng với sự phát triển nhận thức văn hóa hiện nay nó đã mất đi ý nghĩa tiêu cực mà thay vào đó là một cụm từ chỉ cách thẩm mỹ, tín ngưỡng của người Cơ tu.


Đối với người Cơ tu, tục lệ cưa răng có từ lâu đời, đó là hình thức bắt buộc đối với mỗi thành viên. Cưa răng, ngoài chức năng làm đẹp, còn là nghi lễ đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành.





Điều kiện tiên quyết để trở thành thành viên, được cộng đồng thừa nhận, được quyền thiết lập quan hệ hôn nhân là cá nhân đó phải trải qua nghi lễ cà răng (Ảnh:Internet)

Theo quan niệm của người Cơ tu ngày xưa, trai, gái đến tuổi trưởng thành mà khôngcà răng, căng tai là "lạc hậu", bị bộ tộc chê cười, con trai không lấy được vợ, con gái không lấy được chồng. Khi đến tuổi phải chứng tỏ sự trưởng thành, thanh niên Cơ tu sẽ lấy đá dưới suối (đhơl cha lăng) cà hai hàm răng mòn sát với nướu. Khi cà, chân răng bị động nên chảy máu nhiều, hai hàm răng bị sưng khá lâu, lúc bấy giờ chỉ húp cháo loãng…


Bên cạnh tục cà răng, người Cơ Tu còn có tục căng tai để đeo được những đôi bông bằng ngà hoặc bằng nứa, đồng bào phải căng lỗ dái tai rộng ra. Họ thường dùng gai trên rừng (axoong, axọong). Trước khi xỏ gai, họ xoa bóp nước gừng để dái tai thật mềm. Người xỏ lổ tai là một người đàn bà cao tuổi có uy tín trong làng và có nhiều kinh nghiệm xỏ tai. Nếu xỏ không trúng tâm dái tai, sau này khó đeo các vật trang sức lớn hoặc có đeo nhưng dái tai sẽ bị đứt. Xỏ gai nhọn xuyên qua xong, cứ để nguyên
cây gai dính vào tai, mỗi ngày phải tiếp tục rửa tai bằng nước sôi nấu gừng.





"Căng tai" là phong tục dị biệt của nhiều tộc người ở Trường Sơn, Tây Nguyên (Ảnh: Internet)

Khi tai hết chảy máu và vết thương đã thật lành, họ bắt đầu vặn cây gai, mỗi ngày chỉ vặn một lần cho đến khi đầu to cây gai lọt qua được. Người ta lại vót cây khác to hơn. Cứ làm như thế lỗ tai ngày càng căng to ra.


Với người dân, lỗ tai to, rộng, dái tai dài thì mới được coi là đẹp và càng được người bạn tình ưa thích. Những người giàu có, khá giả thường đeo cặp bông tai làm bằng ngà voi. Họ dùng hai mẩu ngà voi làm đôi bông tai kéo đôi tai dài đến tận gò má, đôi khi dài qua vai. Đặc biệt khi tiếp khách, đi thăm họ hàng, bạn bè, đi dự lễ hội... phải đeo cặp ngà để cho thêm phần sang trọng. Vì thế một đôi bông tai ngà voi có thể đổi một con trâu lớn hoặc là một cái ché cổ hoặc vài cái nồi đồng lớn. Trong
khi đó, người nghèo thì chỉ đeo đoạn xương mài nhẵn, ống giang, ống trảy hoặc đeo đôi bông ngà voi giả làm bằng củ khoai, củ sắn phơi khô.


Đây được xem là hình thức thử thách lòng dũng cảm, sức chịu đựng của cá nhân, huấn luyện sức chịu đựng tinh thần đặc biệt đối với nam thanh niên – những trụ cột chính trong gia đình cũng như xã hội.





Nhuộm răng màu đen bóng - một tục lệ của người Cơ tu xưa (Ảnh: Internet)

Người Cơ tu xưa kia cũng có tục nhuộm răng. Họ dùng một loại cây lấy trên rừng phơi khô, đem đốt một đầu rồi cạ vào thanh sắt cho ra một ít nhựa màu đen có vị cay. Sau đó dùng nhựa này hòa với tro bếp, rồi dùng que nhỏ đầu có quấn giẽ thấm nhựa cây vào và phết vào răng. Răng vừa cà xong dùng nước muối súc miệng cho sạch và phết thêm nhựa cây vào chân răng. Một tháng chỉ phết nhựa cây ấy một lần, chất nhựa dính chặt vào răng, biến thành một màu đen bóng.


Hiện nay, tập tục độc đáo này của người Cơ tu cũng dần hạn chế vì lí do sức khỏe và quan niệm thẩm mỹ có phần thay đổi.


Kim Cúc





Theo ngaynay.vn