Sự bất hợp lý từ việc 3.500 tỷ đồng từ chênh lệch thuế xăng dầu đã “chui” vào túi DN xăng dầu đã kéo dài cả năm qua khiến dư luận bức xúc. Khi đó, Bộ Tài chính mới quyết định... sửa sai.


Ngày 19/3, Bộ Tài chính đã phát đi thông cáo thừa nhận sự bất hợp lý nếu tiếp tục điều hành giá xăng dầu trên cơ sở tính thuế nhập khẩu MFN cao hơn các mức thuế ưu đãi theo các thị trường ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc. Thông cáo cho biết, để hưởng được mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thì hàng hóa nhập khẩu từ các nước ký kết Hiệp định thương mại tự do phải đảm bảo điều kiện xuất xứ và điều kiện vận chuyển. Do đó, trong thời gian qua, không phải tất cả các hàng hóa đều được nhập khẩu từ
các nước có ký hiệp định và không phải tất cả hàng hóa đều nhập từ các nước FTA đều được hưởng theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.


Như vậy, sự chênh lệch mức thuế giữa thuế nhập khẩu MFN và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt có thể hiểu là lỗ hổng thuế xăng dầu, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dễ dàng “đút túi” hơn 3.500 tỷ đồng.




Ảnh minh họa.

Vì thế, nhằm giảm bớt sự chênh lệch giữa hai mức thuế này, Bộ đã ban hành Thông tư 48 quy định mức thuế MFN mới, trong đó thuế suất nhập khẩu với mặt hàng dầu giảm từ 3-6% tùy loại.


Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng trình văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án xác định mức thuế nhập khẩu tính trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo mức bình quân gia quyền của các Biểu thuế MFN và FTA. Có thể hiểu, động thái này của Bộ Tài chính là cách sửa sai cho việc DN xăng dầu “móc túi” hàng nghìn tỷ đồng của người tiêu dùng thời gian qua.


Một vấn đề khác cũng cần nhắc đến, đó là số thuế hoàn áp dụng cho các lô hàng nhập từ ASEAN được hưởng thuế ưu đãi là 3.502 tỷ đồng, chiếm 9,75% tổng số thuế DN xăng dầu đã nộp. Nhưng số liệu hoàn thuế thông cáo phát đi này chỉ là số liệu sơ bộ bởi thời gian tới, DN xăng dầu đã nộp thuế nhập khẩu MFN vẫn có thể tiếp tục bổ sung hồ sơ xin được hoàn thuế trong các tháng tiếp theo.


Xăng dầu được hoàn thuế nhưng vẫn tính giá bán lẻ xăng dầu theo thuế MFN rất cao, khiến người tiêu dùng bị thiệt. Rõ ràng, thông cáo phát đi ngày 19/3 vẫn không hề nhắc đến phương án giải quyết hàng nghìn tỷ đồng này đã “chui vào túi” các doanh nghiệp xăng dầu thời gian qua. Hiện, vấn đề người tiêu dùng quan tâm không phải là giảm thuế hay cách tính giá mới mà là số tiền nghìn tỷ sẽ được xử lý ra sao, ai là người sẽ chịu trách nhiệm hoàn trả lại cho người tiêu dùng.


Một điều chắc chắn người tiêu dùng không thể bỏ qua chính là việc DN xăng dầu nhất định phải trả lại số tiền hàng nghìn tỷ đồng đã "móc túi" của dân bằng cách lợi dụng "lỗ hổng thuế" mà người tiêu dùng không được biết tới.


Con số 3.500 tỷ đồng không phải là một con số nhỏ, không phải là hàng chục hay hàng trăm mà là hàng nghìn tỷ đồng. Có thắc mắc cho rằng, nếu dư luận không lên tiếng thì liệu Bộ Tài chính có đưa ra phương án tính giá mới để “bịt lỗ hổng thuế” không hay vẫn mặc cho sự chênh lệch đó tồn tại và tiếp tục “đút túi” hàng nghìn tỷ nữa?


Liên quan đến vấn đề xử lý số tiền hàng nghìn tỷ “đút túi” DN xăng dầu, nhiều đề xuất được các chuyên gia đưa ra như hạ thuế xăng dầu về 0%, giảm giá xăng dầu xuống mức thấp nhất hay đưa phần lợi nhuận hưởng từ chênh lệch thuế vào Quỹ bình ổn xăng dầu…


Người tiêu dùng vẫn chờ đợi câu trả lời của Bộ Tài chính cũng như các cơ quan liên quan về quyết định xử lý số tiền này và người sẽ chịu trách nhiệm hoàn trả lại cho dân hàng nghìn tỷ đồng trên.


An Mai






Theo ngaynay.vn