Nhờ sự phong phú về nguyên liệu, người Tày ở Hồ Ba Bể đã tạo ra những món ăn nức tiếng chỉ nơi đây mới có, mang đậm bản sắc vùng sông nước mênh mông.


Món tôm chua "có một không hai"


Trước đây, khi tôm, cá còn nhiều, việc đánh bắt dễ dàng nên ngoài việc làm đồ ăn hàng ngày như luộc, rán, nướng… người dân đã biết chế biến món ăn có hương vị rất riêng đó là món tôm chua, cá chua.


Những khúc cá to và tôm được trộn mẻ, bột thính, giềng và các gia vị đặc biệt khác rồi bịt kín lại đem ủ, sau một thời gian người dân lấy ra nấu ăn. Tôm cá lúc này ăn rất thơm, mềm có vị chua ngọt riêng. Do ủ lâu, xương cá cũng rất mềm nên khi nấu ăn người ta có thể ăn cả xương và thịt không phải bỏ thứ gì.




Hương vị tôm chua Ba Bể cực kì độc đáo sẽ khiến du khách phải xuýt xoa (Ảnh: Internet)


Ngày nay, nghề làm tôm chua, cá chua đang có xu hướng phát triển ở vùng hồ Ba Bể. Để mang hương vị đặc trưng, khác biệt với những vùng quê khác, người dân phải lấy tôm sông, cá sông (những con còn nguyên vẹn, đều nhau). Cá thì cắt khúc rồi làm theo quy trình trên và ủ kín. Sau một thời gian, khi tôm cá đã ngấm đủ gia vị, lên men, bỏ tôm chua, cá chua từ hũ ra, chắc hẳn không ai quên được hương vị đậm đà, mùi thơm của giềng, ngọt mềm chua dìu dịu, ăn cùng với cơm nấu bằng gạo nương thì người
khó tính nhất cũng phải gật gù.




Vị tôm chua Ba Bề vẫn còn giữ nguyên hương vị tôm, quyệ với mùi giềng, ớt và các gia vị đặc trưng khác (Ảnh: Internet)


Món này có thể chưng lên với thịt băm và trộn thêm giềng giã nhỏ. Tôm chua cũng có thể ăn cùng với các loại rau sống, thịt luộc, rau rừng, khế chua, nem thính tai heo, đọt đinh lăng chỉ… kích thích vị giác cho người ăn thêm ngon miệng. Khác với tôm chua vùng biển hay xứ Huế với vị ngọt gắt của đường, chua cay nồng nàn của ớt giềng, tôm chua, cá chua vùng hồ Ba Bể cũng vị ngọt, chua, cay nhưng lại tự nhiên, dìu dịu, thanh mát và hơi cay cay.




Tôm chua, tuyệt vời nhất là ăn kèm với thịt lợn luộc và rau sống (Ảnh: Internet)


Để món ăn đặc sản này được nhiều du khách biết đến hơn nữa, cứ 5 ngày có một phiên chợ bày bán tôm chua tại chợ Khang Ninh (đoạn trên đường vào hồ Ba Bể).


Bánh đặc sản có màu xanh mướt mắt, bánh Ngải


Là loại bánh có màu xanh thẫm, đậm đà hương vị núi rừng và sông nước Ba Bể, lại thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất, bánh ngải trở thành đặc sản mà du khách không quên thưởng thức khi đi qua vùng đật này.




Chiếc bánh mang màu xanh biếc này là đặc trưng cho văn hóa người Tày ở Ba Bể, Bắc Cạn (Ảnh: Internet)


Làm bánh ngải không khó nhưng lại đòi hỏi sự công phu và khéo léo từ khâu chọn gạo, đường, rau ngải cho đến khâu ra bánh.


Bánh ngải kén gạo vì thế không phải loại gạo bất kỳ nào cũng làm được bánh. Muốn bánh thơm, dẻo phải chọn loại nếp nương và không được lẫn dù chỉ một hạt gạo tẻ. Gạo làm bánh được ngâm từ tối hôm trước rồi đem đồ chín thành xôi vừa độ dẻo. Trong lúc đồ, khi lên hơi, người ta thường tưới thêm lần nước để khi giã bánh sẽ dẻo hơn.


Lá ngải được rửa sạch, đun trong nước tro bếp từ 2 đến 3 giờ. Để có nước tro tốt, người ta chọn tro sạch, tốt nhất là tro tre nứa, hoặc tro vỏ đậu xanh. Tro sạch được lèn vào rá tre, để rá trên chậu tạo khoảng cách cho nước từ rá chảy xuống. Người ta đổ nước từ từ vào tro cho ngấm dần rồi chảy xuống chậu. Nước tro lúc đầu đặc có màu cà phê, sau loãng dần. Lá ngải đun trong nước tro rất chóng nhừ. Sau khi đun nhừ, đổ lá ngải ra rá, rửa nhiều lần cho sạch nước tro, nhặt bỏ sơ (gân lá, cuống lá
già), vắt kiệt nước rồi nắm thành từng nắm bằng nắm tay.




Lá ngải xanh mơn mởn chính là một nguyên liệu không thể thiếu để tạo ra hương vị và màu sắc chiếc bánh ngải của người Tày (Ảnh: Internet)


Trong lúc chờ xôi chín sẽ chuẩn bị nhân bánh (bí quyết tạo ra hương vị thơm ngon cho chiếc bánh), người ta đun đường phên lên thành mật sau đó trộn mật với vừng đen rang chín giã nhỏ. Đường để làm nhân bánh cũng phải lựa chọn rất cẩn thận, phải chọn đường phên có màu vàng, ngọt và không có sạn.


Xôi đồ chín phải giã ngay lúc còn nóng cùng với những nắm lá ngải để bánh mềm, mịn và dẻo. Sau khi xôi được giã nhuyễn, các bà, các mẹ sẽ nhanh tay múc ra mâm để nặn bánh. Bánh được nặn thành hình tròn sau đó ấn dẹt ra, cho thìa nhân vào giữa, rồi gói vỏ bánh lại bọc kín lớp nhân bên trong thành hình như chiếc bánh dày là được. Cố gắng khéo léo để nhân không bị trào ra ngoài vỏ bánh. Mỗi chiếc bánh nóng hổi được đặt trên một khoanh lá chuối tròn nhỏ bằng chiếc bánh để chúng không dính vào
nhau. Sau đó gói chung khoảng 10 cái bánh nhỏ vào một lớp lá chuối để giữ bánh được lâu hơn.




Để bảo quản những chiếc bánh dẻo ngọt này, người ta thường bao chúng bằng lá chuối (Ảnh: Internet)


Bánh ngải là thứ bánh rất dễ ăn, mát và không ngấy, nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không quên mùi vị của loại bánh dân dã này. Vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường, miếng bánh có sự tươi non của đồi nương, cái hoang dã của lá rừng như gói cả mùa xuân trong mát.


Đây mới chỉ là hai trong rất nhiều món ăn ngon, độc đáo của người Tày trên mảnh đất này. Khi du ngoạn đến Hồ Ba Bể, quý khách cũng có thể lựa chọn những "thực đơn" hấp dẫn khác như: gà đồi nướng, cá nướng hồ Ba Bể, xôi nếp nương... và không quên mua vài thứ quà ngon mà đậm đà chất dân tộc về làm quà.


Kim Cúc





Theo ngaynay.vn