Lễ hội Đền Chín Gian (xã Châu Kim, huyện Quế Phong, Nghệ An) vào sáng 23.3 vẫn diễn ra nghi lễ chém trâu mặc dù trước đó, lãnh đạo huyện Quế Phong cam kết huỷ bỏ nghi lễ phản cảm này.


Trong khi các lễ hội truyền thống vùng cao tại Đắk Lắk và TT-Huế thực hiện nghiêm Thông tư số 15 của Bộ VHTTDL nên đã bỏ nghi lễ đâm trâu (Xem Văn Hoá: Đắk Lắk sẽ loại bỏ lễ đâm trâu, số 2753, ra ngày 4.3.2016 và Thêm một lễ hội truyền thống vùng cao bỏ nghi lễ đâm trâu, số 2759+2760, ra ngày 18.3.2016) thì tại Lễ hội Đền Chín Gian (xã Châu Kim, huyện Quế Phong, Nghệ An) vào sáng 23.3 vẫn diễn ra nghi lễ chém trâu mặc dù trước đó, lãnh đạo huyện Quế Phong cam kết huỷ bỏ nghi lễ phản cảm này.

<p align="justify">

</p>
<p style="" align="justify">
Lễ hội Đền Chín Gian được tổ chức từ ngày 14-16.2 âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội truyền thống có từ đầu thế kỷ XIV tại Tến Pỏm (đền trên núi) ở bản Khoẳng, Châu Kim, huyện Quế Phong, Nghệ An. Đền có chín gian, mỗi gian tượng trưng cho một Mường đến tôn thờ. Từ xưa, lễ hội được tổ chức ba năm một lần vào tháng 8 âm lịch hằng năm và điểm nhấn là nghi lễ chém trâu. Đây là dịp để bà con đồng bào Thái ở chín mường rước lễ vật lên đền làm lễ tế trời và tổ tiên các dòng họ của người Thái đã có công
xây bản, lập mường, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
</p>
<p style="" align="justify">
Từ năm 2006 đến nay, lễ hội Đền Chín Gian khai hội chính vào ngày 14.2 âm lịch (tổ chức trong ba ngày) với quy mô hoành tráng, với sự tham gia đông đảo bà con dân tộc Thái và các dân tộc khác trên địa bàn. Phần hội còn tổ chức màn thi viết chữ Thái, hát, dệt thổ cẩm, rèn dao, trình diễn trang phục truyền thống...
</p>
<p style="" align="justify">
Đến với Lễ hội Đền Chín Gian, khách thập phương được sống hòa mình cùng người Thái với những món ăn nổi tiếng như cơm lam, hỏ mọc, nem lá…; cùng rạo rực trong từng bước nhảy sạp, lâng lâng trong tiếng cồng chiêng vang động núi rừng… bâng khuâng theo câu hát: Ước sao được hứng sương trên Đền Trâu cho bông lau gặp gió/ Ước được làm vợ, làm chồng người mường Nọc đẹp nổi tiếng chín mường…
</p>


<p style="text-align: center;" align="center">
Nghi lễ chém trâu vẫn diễn ra ở Lễ hội Đền Chín Gian.
</p>
<p style="" align="justify">
Theo truyền thống, trong Lễ hội Đền Chín Gian, phần quan trọng nhất là lễ đâm trâu, dâng trâu. Nhằm tránh những hình ảnh phản cảm, năm 2016, Ban tổ chức, chính quyền huyện Quế Phong cho biết con trâu trong nghi lễ của Lễ hội Đền Chín Gian sẽ không bị chém mà được trả về cho gia chủ. Tuy nhiên, vào sáng 23.3, con trâu trong lễ rước là của hộ ông Ngân Văn Cường, bản Kim Khê (xã Châu Kim, huyện Quế Phong) đã bị hạ thủ.
</p>
<p style="" align="justify">
Thay vì chém trâu ngay trước cửa đền như từ trước tới nay thì con trâu trong lễ rước Lễ hội Đền Chín Gian 2016 bị chém cách sân khấu lễ hội chưa đầy 30 mét. Trước khi chém, những người thực hiện nghi thức đã dùng bạt quây xung quanh, con trâu được cột vào chiếc cọc gỗ và thực hiện màn chém trâu. Theo một số bậc cao niên thì việc hiến tế trâu là không thể thiếu trong Lễ hội Đền Chín Gian. Thịt trâu cũng là món không thể thiếu trong mâm cúng của chín mường được thờ trong ngôi đền.
</p>
<p style="" align="justify">
Trước đó, trả lời báo chí, ông Vi Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Điểm nhấn của Lễ hội Đền Chín Gian năm 2016 là hủy bỏ nghi thức chém trâu. Nghĩa là trâu vẫn được đưa lên tế tượng trưng nhưng sau đó bàn giao trâu cho chủ mang về. Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quế Phong cũng ra thông báo: Năm 2016 chỉ chém trâu tượng trưng, sau khi thực hiện nghi lễ đưa trâu đi nơi khác làm thịt. Tuy nhiên, ngay trước ngày diễn ra lễ hội, các bậc cao niên cho rằng việc chém, hiến tế trâu là
nghi lễ không thể thiếu trong lễ hội nên Ban tổ chức lễ hội đã mua con trâu này của một hộ dân để thực hiện màn chém trâu.
</p>




<p style="text-align: center;" align="justify">
Đề nghị chính quyền địa phương vận động cộng đồng thay đổi nghi thức cho phù hợp
</p>
<p align="justify">
Trao đổi với phóng viên Báo Văn Hóa chiều qua 24.3, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở khẳng định, quan điểm của Bộ VHTTDL cũng như trong Thông tư 15 đã thể hiện rất rõ yêu cầu loại bỏ các yếu tố mang tính bạo lực, phản cảm trong lễ hội. Theo đó nhấn mạnh: “nghi lễ được tiến hành trang trọng, trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp”. Bên cạnh đó, yêu cầu không tổ chức các lễ hội
kích động bạo lực; mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị; mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác…

</p>
<p align="justify">
Đối với lễ hội Đền Chín Gian (xã Châu Kim, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), việc thay đổi địa điểm “chém trâu” từ trước cửa đền sang vị trí cách sân khấu lễ hội 30 mét hay dùng bạt quây xung quanh… cũng đã thể hiện nỗ lực của những người tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đối chiếu với cam kết loại bỏ nghi lễ phản cảm này và khẳng định điểm nhấn của lễ hội năm 2016 là hủy bỏ nghi thức chém trâu thì thấy rằng, công tác quản lý và tổ chức đối với lễ hội truyền
thống này vẫn cần nghiêm túc tìm giải pháp thay đổi. Những nghi thức dù tồn tại lâu đời nhưng không còn phù hợp với cuộc sống đương đại thì cần thiết phải thay thế, tiến tới loại bỏ.
Bộ VHTTDL đã liên tục tuyên truyền, vận động, ban hành các văn bản chỉ đạo đối với những địa phương có lễ hội tồn tại yếu tố phản cảm, lạc hậu, không còn phù hợp. Chính quyền các địa phương có những lễ hội này cũng đã tích cực vào cuộc, tìm giải pháp điều chỉnh. Điển hình như lễ hội khu phố
Thượng (TP. Bắc Ninh) đã điều chỉnh nghi thức chém lợn từ công khai thành “chém kín”; nghi thức đập đầu trâu trong lễ hội cầu trâu ở Tam Nông (Phú Thọ) cũng được địa phương cam kết tìm hình thức thay thế. Một số lễ hội truyền thống tại Đắk Lắk và Thừa Thiên-Huế cũng đã loại bỏ nghi lễ đâm trâu nhằm nghiêm túc thực hiện tinh thần chỉ đạo tại Thông tư 15.

</p>
<p align="justify">
“Nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Bộ VHTTDL đề nghị chính quyền địa phương, nơi có lễ hội Đền Chín Gian cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng địa phương thay đổi nhận thức, quan điểm và tìm giải pháp thay thế nghi thức, tập tục chém trâu trong mùa lễ hội tới…”, bà Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
</p>
Theo Văn hóa online






Theo ngaynay.vn