Nhiều thập kỉ qua, khi nhắc tới miền sơn cước, ít ai có thể quên được tiếng khèn - biểu tượng văn hóa người Mông trong sinh hoạt cộng đồng cũng như đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Mông.


Người Mông tương truyền rằng, xưa kia trên vùng núi cao có hai vợ chồng lần lượt sinh được sáu cậu con trai, ai cũng giỏi giang, khỏe mạnh, hòa thuận và đều có biệt tài thổi sáo trúc. Khi cha mẹ mất đi, vì nhớ thương, sáu anh em khóc thảm thiết suốt chín ngày, chín đêm đến độ tắt cả giọng nói nên mỗi người phải dùng ống trúc để thổi thay cho tiếng khóc.


Sự hiếu thảo của anh em nhà họ khiến trời xanh động lòng, thần núi hiện lên mách bảo: “Các con hãy làm một bầu hơi và chèn sáu ống trúc vào đó. Chỉ cần mỗi người thay nhau thổi thì tức khắc sáu ống đều than khóc...”. Cây khèn ra đời từ đó.


Với những ai đã từng tham dự phiên chợ vùng cao đều dễ bắt gặp giữa không gian ồn ào người qua lại, từng nhóm con trai ngồi bên góc chợ thổi khèn hoặc hòa âm cùng với kèn pí lè, một loại kèn của người Mông, như những nghệ sĩ đường phố. Khèn còn là người bạn đường của các chàng trai lúc lên nương. Bất cứ khi vui, khi buồn họ cũng mang khèn ra thổi để thay lời muốn nói gửi tới người thương. Bởi vậy, nhờ làn điệu đậm chất núi rừng này, biết bao cặp trai gái đã nên duyên chồng vợ.





Lên miền sơn cước vào những dịp lễ tết, hoặc hội sài sán (đi chơi núi đầu xuân), hội thi khèn mừng xuân, khách miền xuôi sẽ không tránh khỏi bâng khuâng khi nghe tiếng khèn vang vọng khắp núi rừng (Ảnh: Internet)

Cùng với phần diễn tấu tạo ra âm sắc lúc dìu dặt, trữ tình, lúc vui tươi, dũng mãnh, họ phải kết hợp thực hiện những điệu múa đẹp mắt, tài hoa. Và khó nhất là múa đôi, múa tập thể, thường là nam thì thổi khèn, còn các cô gái xinh đẹp trong bộ trang phục dân tộc, tay cầm ô, đôi bên phải múa đồng bộ, đối xứng, nhịp nhàng, từ bước nhảy đá gót, vờn hoặc lượn, quay tại chỗ, quay đổi chỗ một cách điêu luyện, tiếng khèn không ngắt quãng, tắt tiếng, lạc nhịp.




Đôi trai gái cùng múa, cùng thổi khèn, được xem là trường hợp hiếm hoi, đáng quý (Ảnh: Internet)


Để tạo ra thứ âm thanh véo von ấy, bà con ở đây phải bỏ ra nhiều công sức. Trước tiên, họ sẽ tìm gỗ pơ mu, nghiến hoặc cây xoan độ dài tầm cánh tay rồi sấy khô đề phòng chất liệu bị vênh, nứt... khiến âm thanh của khèn không được trong trẻo. Sau đó tạc gỗ và bào trơn tru thành thân khèn gồm hai phần: ống thổi và bầu khèn.



Tiếp tục bổ đôi, khoét rỗng bầu khèn, đồng thời xẻ đường chỉ thông suốt với miệng ống thổi. Cuối cùng ghép trở lại và dùng vỏ cây mỏng cột thật chặt, thật khít để giữ cố định sau và cũng là trang trí cho cây khèn thêm trang nhã.



Qua phần cấu tạo ống khèn, người ta cắt sáu ống trúc dày, săn chắc có độ dài ngắn, lớn nhỏ khác nhau. Mỗi ống trúc còn được lắp đặt lưỡi gà bằng đồng lá cắt mỏng và khoét một lỗ để sau này dùng ngón tay bấm điều chỉnh âm điệu, trầm bổng của khèn.


Chính nhờ vậy mà khi thổi vào hay hít ra tất cả ống trúc cùng lúc phát ra nhiều thanh âm, nhiều bè khi cao vút như cánh chim vụt lên trời xanh, lúc êm ả, dìu dặt tựa dòng suối chảy thì thầm. Những điều ấy đã làm nên nét riêng biệt và ngấm sâu vào máu thịt người Mông.




Cái khó nhất trong chế tạo khèn là dùng dao dùi bầu khèn và chèn sáu ống trúc xuyên qua sao cho đoạn có lưỡi gà nằm gọn phía trong (Ảnh: Internet)

Tiếng khèn, điệu múa của người Mông đã trở thành một tiết mục không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào nơi đây. Tuy nhiên, để tiếng khèn người Mông vượt qua bản làng nhỏ bé đến với mọi người dân thì cần lắm tính chuyên nghiệp trong biểu diễn, không gian cho nghệ sĩ biểu diễn, không gian cho nghệ nhân chế tác tại chỗ và khả năng biến hóa cây khèn tiện cho việc đem đi xa.


Kim Cúc





Theo ngaynay.vn