Cách ra bài tập của cô giáo Nhật Bản đối với học sinh tiểu học sẽ khiến nhiều người phải giật mình suy nghĩ về ý nghĩa đích thực của việc giáo dục trẻ nhỏ.


Mới đây, câu chuyện về cách ra bài tập về nhà và cách chữa bài của một giáo viên tiểu học Nhật Bản đã khiến nhiều người phải suy nghĩ lại về ý nghĩa đích thực của việc giáo dục trẻ em.


Câu chuyện của cô giáo tiểu học người Nhật


Câu chuyện đã được ghi lại trong phần Lời nói đầu của một cuốn sách viết về hạnh phúc đang trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất tại Nhật Bản.




Chuyện kể về một ông bố ở thành phố nọ có con gái đang học tiểu học. Mỗi khi con gái đi học về ông thường có thói quen hỏi chuyện học hành ở trường. Một ngày nọ khi cô bé đi học về ông hỏi: “Nay có bài tập về nhà không con?”.


Cô bé đáp: “Có ạ. Bài tập là hãy để một ai đó trong gia đình ôm”.


Ông bố mỉm cười và cúi xuống ôm con thật chặt. Đến tối cả mẹ rồi chị, em trai khi nghe kể cũng ôm cô bé.


Ngày hôm sau khi cô bé học về, ông bố lại hỏi: “Nay có bài tập về nhà không con?”. Cô bé đáp: “Nay cô giáo chỉ chữa bài tập về nhà thôi” rồi kể cho bố nghe câu chuyện ở lớp.


Ở đó khi cô giáo hỏi cả lớp xem đã làm bài tập về nhà chưa thì có vài bạn đứng lên ngượng ngùng cúi mặt nói: “Con không được ai ôm”. Thế là cô giáo cúi xuống ôm từng bạn một.


Quả là một bài tập về nhà đặc biệt, nhưng cách mà cô giáo chữa bài tập về nhà còn đặc biệt hơn. Bài tập này khiến nhiều bậc phụ huynh và các nhà giáo dục phải suy nghĩ lại về ý nghĩa đích thực của giáo dục. Liệu có phải bài tập về nhà chỉ là những con số, những chữ cái? Cho con trẻ đến trường có phải chỉ để thu nạp kiến thức không, hay chúng cần được sống trong môi trường đầy ắp tình yêu thương?


Bài tập của học sinh Việt Nam


Qua câu chuyện của cô giáo người Nhật, nhìn sang thực tế ở Việt Nam, dường như các em học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học ngày ngày phải quay cuồng với những bài tập, những sách vở và các kỳ thi. Dường như trẻ nhỏ đang phải chịu quá nhiều áp lực từ chuyện học hành. Nhiều bậc phụ huynh không khỏi xót xa khi thấy con cái ngày nào cũng ngập đầu trong các loại sách: sách bài tập, sách ôn luyện, sách giáo khoa, sách nâng cao...




Trong khi đó, kỹ năng sống, kỹ năng sẻ chia và yêu thương lại ít được chú trọng trong giảng dạy. Trẻ em dễ rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng tới sức khỏe tâm, sinh lý.


Điều này một phần xuất phát từ tâm lý thích chạy đua theo thành tích của phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô. Tâm lý “thua thầy một vạn không bằng kém bạn một ly” khiến gia đình nào cũng muốn con mình là số 1, ép con ra sức học hành, không còn thời gian vui chơi. Nhiều gia đình thậm chí còn làm bài tập giúp con, nhưng họ không nghĩ được rằng chính việc họ làm lại vô tình gây ra tâm lý dựa dẫm, ỷ lại vào người khác và dạy con cái cách đối phó và gian dối.


Phải chăng đó là điều mà các bậc phụ huynh mong muốn?


Danh Tuyên





Theo ngaynay.vn