Du lịch sinh thái đang được quảng bá như một cách thức bền vững để khám phá thiên nhiên, tuy nhiên, thực tế là hoạt động vốn để thúc đẩy bảo tồn này lại dẫn đến một loạt các hệ lụy.


Thay vì các thành phố sầm uất hay di tích cổ xưa, du lịch sinh thái chọn những nơi có các hệ động thực vật phong phú làm điểm thu hút khách, để du khách có thể vừa kết nối với thiên nhiên lại góp phần hỗ trợ những nố lực bảo tồn. Du lịch sinh thái đã trở thành một nhánh lớn của ngành công nghiệp du lịch. Sự phát triển nhanh chóng của loại hình du lịch này đang vấp phải nhiều chỉ trích do có nhiều tác động hữu hình và vô hình tới môi trường tự nhiên.


Với du khách, du lịch sinh thái đã đưa họ tới những vùng đất nguyên sơ nhất, đem lại cho họ cảm giác giống như họ là người đầu tiên khám phá nơi đây. Khi thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp xung quanh, phần lớn các du khách sẽ chụp lại những bức ảnh làm kỷ niệm, những du khách có thể vô tình giẫm lên những loài côn trùng hoặc thực vật quý hiếm.




Những chú hươu cao cổ không còn sợ hãi khi thấy những chiếc xe ô tô (Ảnh: Robek/thescienceexplorer.com)


Nhiều người sẽ nghĩ rằng, những du khách muốn khám phá thiên nhiên chắc chắn sẽ là những người biết trân trọng tự nhiên và không bao giờ xả rác. Thực tế là những khu du lịch sinh thái đông khách đã bắt đầu bị xả rác và ô nhiễm giống như môi trường sống của con người.


Minh chứng điển hình cho một mô hình du lịch sinh thái thất bại là ở quần đảo Galapagos (Ecuador) – địa danh đầu tiên được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới. Ngành công nghiệp du lịch ở Galapagos bùng nổ cách đây vài thập kỷ, nhưng doanh thu chủ yếu vẫn từ Trạm nghiên cứu Sinh học Charles Darwin ở đảo Santa Cruz. Thiên đường tự nhiên với các loài sinh vật đặc hữu phong phú, tiền đề cho những nghiên cứu giúp Charles Darwin đưa ra thuyết tiến hóa sau này, đã
không thể nhận ra giữa thị thành đông đúc với giao thông, khách sạn và ô nhiễm. Nền kinh tế đang phát triển này cũng thu hút quá nhiều người nhập cư, dân số tăng nhanh vượt quá khả năng về nguồn lực và cơ sở vật chất hạ tầng của các đảo.


Giao thông tăng cao và sự di cư giữa các hòn đảo khiến hệ sinh thái bản địa phải chịu đựng hàng loạt các loài xâm lấn. Chuột, kiến lửa và cây mâm xôi là những kẻ xâm lược mạnh mẽ nhất. Nhưng kẻ xâm lược tàn ác nhất trong số này là những con dòi do loài ruồi Philomis sinh ra. Những con dòi này hoạt động trong lỗ mũi và từ từ tàn phá bộ não của những con chim sẻ Darwin, khiến loài này đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.


Sự tương tác của du khách với những đối tượng mà họ quan tâm cũng ẩn chứa những tác động tiềm tàng. Các loài động vật trong sở thú thường bị áp lực do bị giám sát liên tục, cũng giống như vậy, việc cuộc sống hàng ngày thường xuyên bị du khách quấy rối cũng khiến các con vật bị căng thẳng. Một nghiên cứu về chim cánh cụt Megellanic ở Punta Tombo Argentina cho thấy, có hàng chục lượt khách tham quan đến đây vào mỗi mùa thu khiến những con chim non phải chịu áp lực sớm hơn nhiều so với cuộc sống
hoang dã tự nhiên của chúng.


Quá nhiều du khách viếng thăm cũng làm thiên lệch hành vi của các loài động vật hoang dã. Du khách sẽ vui sướng khi các loài động vật hoang dã tự nhiên trở nên thân thiện nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng vẫn duy trì cách hành xử thường tự nhiên của mình. Thành phố ven biển Stingray ở quần đảo Cayman (Anh) là một địa điểm thăm quan nổi tiếng vì ở đây du khách được thăm quan và cho các loài cá đuối có gai độc ăn. Hệ quả sau một thời gian dài là những con cá đuối có gai độc ở đây gần như đã trở thành
loài thuần hóa, chúng xuất hiện vào ban ngày do dự đoán có thức ăn thay vì tìm kiếm thức ăn vào ban đêm như bản tính tự nhiên. Những con cá đuối ở đây cũng sống gần nhau hơn so với mật độ tự nhiên, việc giao phối và tranh giành bạn tình cũng không cố định vào một mùa cụ thể theo tự nhiên.


Hiệu ứng thuần hóa này khiến nhiều loài động vật đối mặt với nguy cơ mất bản năng phòng vệ. Khi các loài động vật thoải mái hơn với sự hiện diện của con người, chúng sẽ giảm bớt sự cảnh giác, phản ứng sợ hãi trước kẻ thù tự nhiên cũng bị ức chế. Ví dụ như loài khỉ vervet tỏ ra an tâm trước sự bảo vệ của con người trước loài báo hoa mai ăn thịt. Thói quen sai lâm này sẽ trở thành vấn đề khi không có sự xuất hiện của con người ở đó, những con khỉ này sẽ dễ bị tấn công hơn.


Khi bạn nhìn thấy một bức ảnh ngựa vằn rất gần và rất chân thật, bạn có thể tưởng tượng viễn cảnh đằng sau chúng rằng những chú ngựa này đã rất thân quen với các nhiếp ảnh gia và cái giá mà chúng phải trả có thể chính là mạng sống khi mất cảnh giác trước những con sư tử.


Sứ mệnh cao nhất của du lịch sinh thái vẫn là nâng cao nhận thức và thúc đẩy bảo tồn, nhưng xét trong bối cảnh hiện nay những hậu quả trước mắt và lâu dài của du lịch sinh thái vẫn lớn hơn nhiều so với lợi ích.


Theo Thiên nhiên





Theo ngaynay.vn