Trong số 4,4 tỷ dân châu Á, khoảng 1 tỷ người có thể sẽ phải sống trong tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng.


Số liệu trên được trích dẫn từ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) trên tạp chí PLOS One.




(Ảnh minh họa: Reuters)

Nếu biến đổi khí hậu và gia tăng dân số tiếp diễn theo tốc độ hiện nay thì phần đông dân cư châu Á có thể phải đối mặt với “nguy cơ thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng”, có nghĩa là các hệ thống cung cấp nước sẽ bị quá tải – ít nhất là trong vòng 35 năm.


“Đây không chỉ là vấn đề biến đổi khí hậu,” Adam Schlosser, một chuyên gia trong nhóm nghiên cứu cho biết. “Gia tăng dân số và sự phát triển của nền kinh tế đang tác động mạnh mẽ tới nhu cầu sử dụng tài nguyên của con người”.


Liên hợp quốc đã đưa ra dự đoán rằng tới năm 2030, thiếu hụt nguồn nước sẽ trở thành vấn đề toàn cầu. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ riêng sự nóng lên toàn cầu cũng có thể đe dọa nghiêm trọng tới nguồn nước sạch tại châu Á.


Tương lai nguồn nước còn là vấn đề phân phối nước: “Lượng nước ở thượng nguồn ảnh hưởng lớ tới lưu vực hạ nguồn,” Schlosser nhấn mạnh. Về cơ bản, nếu thượng nguồn sử dụng nước càng nhiều thì những người sống hạ nguồn sẽ càng có ít nước.


Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng sự kết hợp ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu còn tác nghiêm trọng tới nguồn nước.


Dù vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng nguồn nước tưới tiêu sẽ tiếp tục được duy trì, và có thể dễ dàng thay đổi để trở nên tốt hơn hoặc theo chiều hướng xấu đi. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý, trong khi họ tìm hiểu về mối quan hệ giữa kinh tế và nguồn nước, họ đã chưa tính đến những tác động ngược lại của sự khan hiếm nước đối với kinh tế - chẳng hạn như hạn hán khiến người ta phải cắt giảm lượng nước sử dụng trong công nghiệp.


Bởi vậy, nếu châu Á không muốn thiếu nước sạch sinh hoạt, ngay từ bây giờ người dân và chính phủ các nước cần tập trung nguồn lực và quyết tâm để làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, chính phủ các nước nên trang bị cơ sở hạ tầng cho một thế giới đang khô héo dần. Khí hậu khu vực và toàn cầu đã thay đổi do hoạt động của con người, nhưng chúng ta vẫn có thể hi vọng có thể thay đổi một phần thực trạng đó.


Hoàng Trang






Theo ngaynay.vn