Ngay sau tuyên bố "Trung Quốc là nước lớn không nên bắt nạt nước nhỏ", Indonesia cho biết sẽ triển khai 5 máy bay F-16 ra Biển Đông để đề phòng "những kẻ trộm cắp".


Mọi chuyện chỉ bắt đầu sau khi 2 tuần trước phía Indonesia bất ngờ tố tàu cá Trung Quốc đã xâm nhập và tiến hành hoạt động đánh bắt trái phép ở khu vực lãnh hải của nước này.


Phía Trung Quốc đã điện đàm đề nghị giấu kín vụ việc, tuy nhiên Indonesia đã tỏ thái độ cứng rắn và tổ chức họp báo công khai phản đối sự vi phạm chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông một cách dứt khoát.


Theo thông tin trong cuộc họp báo phía Indonesia cho biết, ngày 19/3, một tàu cá trọng tải 300 tấn, có tên Kway Fey 10078 của Trung Quốc gồm 8 thủy thủ trên tàu Trung Quốc đã bị bắt do đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.



Trong khi tàu tuần tra KP Hui 11 của Bộ nghề cá và hải sự Indonesia đưa 3 viên chức Indonesia lên tàu Kway Fey để tiến hành di lý thì một tàu của lực lượng Tuần tra Bờ biển Trung Quốc đã cố tình đâm vào tàu Kway Fey hòng tìm cách cản trở quá trình bắt giữ.





Lúc này, tàu KP Hui 11 đã liên lạc với Hải quân Indonesia tại đảo Natuna để điều một xuồng cao su ra ứng phó. Ngay lập tức một tàu tuần tra khác của Trung Quốc cũng xuất hiện đồng thời gần tàu Kway Fey.


Để tránh tình trạng đối đầu gây căng thẳng các viên chức Indonesia đã buộc phải rời tàu Kway Fey, trở lại tàu KP Hui. Lực lượng tuần tra bờ biển cũng đưa con tàu cá trái phép rời khỏi khu vực lãnh hải của Indonesia


Sau vụ việc, Bộ ngoại giao Indonesia triệu đại sứ Trung Quốc tới và tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ. Jakarta khẳng định các tàu Trung Quốc đã áp sát đảo Natuna trong phạm vi chỉ 4km.


Theo giới phân tích, trước đây khi có những sự vụ gây hấn tương tự, phía Indonesia thường giải quyết theo hướng hiền hòa tránh công khai vì mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.


Tuy nhiên những động thái quân sự hóa và bành trướng quá mức trong thời gian gần đây của Bắc Kinh đang khiến cho "quốc gia vạn đảo" không thể lặng im.


Thái độ nhún nhường của Jakarta trong những năm qua đã khiến cho phía Trung Quốc bắt đầu lấn tới và tìm cách thực thi các tuyên bố chủ quyền của họ tại vùng biển của Indonesia.


Điều này khiến Jakarta sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài đối đầu công khai với Trung Quốc và cho cả thế giới thấy sự phản ứng quyết liệt của mình.


Một quan chức Indonesia giấu tên cho biết, Jakarta không muốn phản ứng, nhưng buộc phải làm vậy, bởi hành động của Trung Quốc đặc biệt mang tính khiêu khích, và nằm trong xu hướng ngày càng hành động quyết liệt trên Biển Đông.


Bộ trưởng Thuỷ Sản Indonesia Susi Pudjiastuti trong một tuyên bố vào ngày 1/4 đã lên tiếng yêu cầu phía Trung Quốc nộp lại tàu cá trái phép để nước này tiến hành xử lý theo đúng luật pháp quốc tế.


"Tôi tin rằng Trung Quốc là một nước lớn, với lực lượng hành pháp tốt, và họ không ủng hộ đánh bắt cá trái phép, kể cả khi đó là tàu Trung Quốc. Tôi tin rằng họ sẽ tôn trọng Indonesia bằng cách nộp con tàu này", bà Susi Pudjiastuti nói, "Tôi nghĩ là một nước lớn, bạn không thể bắt nạt các nước nhỏ"


Trong khi đó, phía Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ thông tin mà phía Jakarta công bố trong cuộc họp báo trước đó khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố vụ việc xảy ra tại “khu vực đánh bắt cá lâu đời của Trung Quốc”.


Ngoài ra người đứng đầu công tác đối ngoại của Bắc Kinh còn tuyên bố tàu Trung Quốc “bị tấn công và quấy rối” bởi một tàu Indonesia có vũ trang.


Sau khi vụ việc xảy ra, ông Mahfud Siddiq, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Ngoại giao của Hạ viện Indonesia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động quân sự trên Biển Đông để tập trung bảo vệ chủ quyền của nước này: “Việc tăng cường một căn cứ quân sự trên đảo Natuna là một yếu tố quan trọng đối với hệ thống phòng thủ khu vực miền trung Indonesia, nơi có đường biên giới với nhiều quốc gia ở Biển Đông”.


Trong động thái mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết, nước này sẽ đưa chiến đấu cơ F-16 ra Biển Đông.


Theo đó, Indonesia sẽ triển khai 5 chiến đấu cơ F-16 như một phần trong chương trình tăng cường hiện diện quân sự ở quần đảo Natuna, tại đây Indonesia cũng nâng cấp đường băng và xây một cảng mới.


Quân đội Indonesia đã và sẽ đồn trú các lính thủy đánh bộ, các đơn vị đặc nhiệm không quân, một tiểu đoàn quân đội, 3 tàu khu trục, một hệ thống radar mới và các máy bay do thám trên quần đảo.


Kế hoạch đồn trú 5 máy bay chiến đấu F-16 tại quần đảo Natuna phản ánh mức độ lo ngại mới của Indonesia đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông liên quan tới Trung Quốc và vài quốc gia láng giềng Đông Nam Á.


Bộ trưởng Quốc phòng Ryacudu cũng tiết lộ, phía nước này sẽ tiến hành đàm phán mua từ 8-10 máy bay chiến đấu Su-35 của Nga trong chuyến thăm Moscow vào đầu tháng này và cân nhắc mua thêm máy bay F-16V của Mỹ, Eurofighter Typhoon của châu Âu hoặc Gripen của Thụy Điển.


Tuy nhiên theo giới quan sát, việc triển khai vài chiếc F-16 ở Natuna chỉ nhằm thể hiện quan điểm cứng rắn của Indonesia chứ khó có thể khiến Trung Quốc hoảng sợ bởi máy bay F-16 được cho là không phù hợp với việc giám sát hoạt động hàng hải.


Minh Vương





Theo ngaynay.vn