Các nghị sĩ thuộc quân đội Myanmar đã phản đối việc bà Suu Kyi được nắm trong tay vai trò quyền lực tương đương với thủ tướng sau khi bà đã là người nắm giữ 4 Bộ trước đó.


Đảng lãnh đạo chính phủ Myanmar NLD đã đệ trình dự luật lên Quốc hội đề nghị thành lập chức vụ “cố vấn quốc gia” cho nhà lãnh đạo NLD Daw Aung San Suu Kyi.


Các chuyên gia nhận định chức vụ mới này của bà Suu Kyi tương đương với quyền lực của thủ tướng. Cùng với 4 vị trí trong nội các chính phủ mà bà tuyên thệ nhậm chức vào ngày 30/3, trong đó có chức bộ trưởng Ngoại giao và vị trí lãnh đạo đảng NLD, bà Suu Kyi chính thức trở thành người nắm quyền lực cao nhất trong chính phủ Myanmar.


Theo đó bà Suu Kyi hiện giữ bốn chức vụ: Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống, Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng.





Dự luật về việc thành lập chức vụ cố vấn quốc gia đã được đệ trình lên thượng viện quốc hội ngày 31/3. Với việc đảng NLD chiếm đa số ở lưỡng viện, dự luật này sẽ dễ dàng được thông qua thành luật.


Tuy nhiên dự luật này đã gặp phải sự phản đối dữ dội của các nghị sĩ quân đội, khi cho rằng điều này là vi phạm hiến pháp.


Các nghị sĩ thuộc quân đội, chiếm 1/4 số ghế Quốc hội Myanmar đã kịch liệt phản đối dự luật của NLD khi cho rằng chức vụ cố vấn quốc gia tập trung quá nhiều quyền lực vào tay một người, như thế là thiếu cân bằng và có thể mất kiểm soát. Nhưng dự luật vẫn được Thượng viện thông qua và trình Hạ viện tranh luận vào ngày 4/4 tới.


Điều này sẽ đúng với những gì mà bà Suu Kyi từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử năm ngoái khi cho biết sẽ nắm quyền còn cao hơn cả tổng thống, hay ít nhất, bà sẽ đạt được mục tiêu điều chỉnh Hiến pháp.


Nếu dự luật được thông qua, với chức cố vấn nhà nước, bà Suu Kyi chịu trách nhiệm cố vấn cho Quốc hội, bao gồm lập pháp, thay đổi hiến pháp…


Mặc dù vậy để thay đổi Hiến pháp, bà Suu Kyi sẽ phải cần sự thống nhất của quân đội. Vì Hiến pháp chỉ được sửa đổi khi có hơn 75% nghị sĩ đồng ý, cao hơn số nghị sĩ đảng NLD tại Quốc hội. Số nghị sĩ quân đội tại Quốc hội chiếm 25%.


Hiến pháp là điểm bất đồng lớn giữa bà Suu Kyi và quân đội. Hiến pháp không cho phép bà Suu Kyi làm tổng thống vì có chồng là người Anh và hai con trai đang ở Anh.


Minh Vương





Theo ngaynay.vn