Bảo vệ văn hoá phi vật thể không thể tách rời việc bảo vệ con người tức là bảo vệ các nghệ nhân – chủ thể sáng tạo di sản văn hoá. Tôn vinh nghệ nhân là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ các di sản văn hoá phi vật thể...
Ngày 13/11/2015, Chủ tịch nước đã có quyết định 2533/QĐ-CTN và 2534/QQĐ-CTN phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể lần thứ nhất trong đó tôn vinh 39 nghệ nhân của thủ đô là những người có đủ phẩm chất đạo đức, có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, đang nắm giữ, truyền dạy, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể ở các loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian (Ca trù, Xẩm, cồng chiêng, chèo tàu, hát Dô), tri thức dân gian (ẩm thực, làm diều sáo, nặn tò he, nhạc cụ truyền thống…).







Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch TP Hà Nội trao bằng khen cho các nghệ nhân được nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.





Cũng trong buổi lễ, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội cũng nhắc lại ngày truyền thống Di sản văn hoá Việt Nam 23/11. Theo đó, cách đây 70 năm, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 65 “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ học viện” – Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về bảo tồn di sản văn hoá dân tộc. Cho đến nay, những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của sắc lệnh vẫn được giữ nguyên được ý nghĩa lý luận và thực tiễn.
Kể từ ngày đó, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành Luật di sản văn hoá, Luật thủ đô và nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị về công tác bảo vệ di sản văn hoá.







Câu lạc bộ Hát trống quân ở làng Bùi Xá, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ biểu diễn tại Lễ kỷ niệm.





Cũng theo Giám đốc sở Văn hoá, Thể thao, trong chặng đường đã qua mặc dù còn một số tồn tại nhưng Hà Nội đã đạt được một số thành tựu trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá: Ban hành nhiều văn bản Quản lý Nhà nước kiểm kê gần 6.000 di tích, trong đó có 3 di sản được UNESCO công nhận, 12 di tích quốc gia cấp đặc biệt. Hàng nghìn hiện vật và sưu tập có giá trị được bảo quản trưng bày trong Bảo tàng Hà Nội và các bảo tàng ngoài công lập.
Huy động các nguồn lực dành cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều di tích đã trở thành những địa điểm tham quan thường xuyên của du khách, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh thủ đô với bạn bè quốc tế như: Di tích Văn Miếu – Quốc tử giám, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn, di tích nhà tù Hoả Lò..







Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội phát biểu tại lễ kỳ niệm.





Hà Nội cũng đang tiến hành việc kiểm kê bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể Hà Nội đồng thời nghiên cứu, tư liệu hoá, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu về nghệ thuật Ca trù, rối nước, chầu văn, nghề thủ công truyền thống….
Ngày nay, di sản văn hoá Việt Nam nói chung, di sản văn hoá Hà Nội nói riêng đã thực sự khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội, có sức lan toả mãnh liệt nhưng đồng thời di sản văn hoá cũng đang đối mặt với những thách thức to lớn, những tác động trực tiếp từ thiên nhiên, môi trường và con người.
Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định các cấp lãnh đạo của thành phố đã nhận thức rõ được trách nhiệm của lãnh đạo thành phố trong việc bảo vệ di sản văn hoá. Văn hoá là tiềm tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế. Là nơi có nhiều di tích, Hà Nội cần giữ mối cân bằng để bảo tồn và phát triển. Nhưng với thực tế có nhiều di tích xa thành phố đang xuống cấp nghiêm trọng và bị xâm phạm thì việc bảo vệ di sản cần phải được tiến hành thưởng xuyên nghiêm túc và là nhiệm vụ chung của toàn xã hội.
Xem thêm:
Đình làng xứ Đoài
Tiếp tục đồng lòng “gọi” nhà Lang trở lại
Đại gia đình 7 đời gìn giữ mạch chảy Ca trù đất Thăng Long


Theo ngaynay.vn