Lấp ló sau cặp kính cận dày là một đôi mắt hồn nhiên với nụ cười chân thật của một học sinh miền núi. Điều gì đã giúp Thúy Quỳnh có một bút lực mạnh mẽ đến thế. Đặc biệt là khi tập truyện đầu tay Nhện, Trịnh và thiên thu được ra mắt cùng với chùm truyện ngắn của em được chọn in trong cuốn Có một tuổi hai mươi khác trở về của NXB Văn học (cùng với những cái tên đa quen như Văn Thành Lê, Vũ Văn Song Toàn, Vũ Thị Huyền Trang và Hàn Băng Vũ…).
Ban đầu nhìn vào vẻ bên ngoài của một cô học trò vừa rời ghế phổ thông, tôi không tin em có thể tự viết được như thế. Phạm Thị Thúy Quỳnh kể: em sinh ra và lớn lên ở xã Mường Chiềng, cách thị trấn Đà Bắc (Hòa Bình) chừng 60km, đường đi lại khá khó khăn. Trước khi dâng nước lòng hồ công trình thủy điện Hòa Bình, từ chợ Bờ cổ - nơi có những ngôi nhà gỗ xoan lợp ngói, những người phụ nữ đội nón ba tầm - ông bà em đã chuyển vén lên chốn rừng núi này để định cư cho tới ngày hôm nay.







Cây bút trẻ Thuý Quỳnh.





Thúy Quỳnh đến với văn chương thật tình cờ và khá muộn màng nhưng dường như đó là một cơ duyên tiền định. Sống giữa vùng đồi núi heo hút, em luôn coi những cuốn sách là những người bạn, là những cánh cửa, là bài học cuộc đời và cũng là sự gợi mở cho riêng mình.
Bởi thế khi đang lớp 11, cuốn sách Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Tuân của Nguyễn Thị Ngọc Trai đã để lại cho em những ấn tượng mạnh về nhân cách của cụ Nguyễn, công phu khó nhọc trong việc làm chữ, dùng chữ, sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của nhà văn. Sau này khi viết “Chút thoáng Nguyễn Tuấn” cô đã viết: “Đó là vì duyên phận với cổ nhân sâu thẳm hay bởi kiếp trước tôi là một nhành địa lan, một đóa đỗ quyên nơi Yên Tử mà ông mang theo?
Hay là một chú thạch sùng say hơi thuốc phiện Khâm Thiên mà lưu luyến sang tận kiếp sau”. Mặc nhiên, với niềm tin đó, Quỳnh viết liền tay một loạt truyện ngắn trong một quãng thời gian ngắn và bắt đầu công bố trên face book cá nhân. Ban đầu, gia đình và bạn bè không ai thực sự ủng hộ cô bé với đam mê khác người này.
Những chương truyện độc đáo từ cái tên như: Hoạn lộ; Thác đày; Đứa con trong lâu đài cổ; Cơn mê…thực sự rất… khó đọc với cư dân mạng thông thường nhưng lại nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các nhà văn. Cảm nhận chung của tôi và nhiều biên tập viên, nhà văn khi tiếp cận với truyện của em là sự già dặn trong suy tư, cách lựa chọn chủ đề nhưng lại hồn nhiên, thành thật trong những lý giải.
hiều lúc bạn đọc sẽ thắc mắc, em viết văn với động lực và mục đích gì. Quỳnh bảo em đã nói hết trong truyện Đọa đầy rồi. Dương như em thích nói bằng chữ nghĩa hơn là bằng lời: “Những kẻ say chữ thường hay mộ đạo, đạo của riêng họ thôi, tín ngưỡng là của riêng, chẳng mong tha nhân thấu hiểu. Trong đó, kẻ tin vào ánh sáng, kẻ tôn sùng bóng đêm, kẻ thần phục cái ác, kẻ viết hòng phục thiện”. Viết để “phục thiện”? điều đó không xa lạ gì với những nhà văn cầm bút lâu năm, nhiều từng trải. Nhưng với một cô bé như Quỳnh quả thật là điều mà bất ngờ. Em lí giải: “Vì em phải sống ở ngoài nhiều, cũng do môi trường xung quanh, cùng với quá khứ. Nên em thường không thích nhắc lại quá khứ”. Phải chăng “phục thiện” chính là động lực tìm lại “bản lai diện mục” của người cầm bút.
Mười bốn truyện ngắn được nhà văn Võ Thị Xuân Hà lựa chọn trong tập truyện Nhện, Trịnh và thiên thu (Do công ty TNHH Văn hóa và Dịch vụ Thiên Đức liên kết với NXB Hội Nhà văn xuất bản) trở thành tấm vé bước lên chuyến tàu văn chương của Thúy Quỳnh. Đúng như nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét: “Già quá! Nhưng mà văn chương đâu phân biệt tuổi tác. Cái chính là sự trải nghiệm trong tâm hồn. Hay cô bé là hiện thân kiếp sau của một tao nhân mạc khách cõi ngàn trùng?”.


Hy vọng rằng, từ bước khởi đầu đầy quả quyết, với một bản lĩnh cầm bút và ước mơ viết được những tác phẩm sống trong lòng người đọc, Phạm Thị Thúy Quỳnh sẽ còn tiến xa hơn nữa với bút danh Quỳnh Phạm “ngang tàng” này.



Hợp tác cùng Thời Nay
Xem thêm:
NSƯT Chu Lượng: Tìm cách “hòa đồng tây - ta” bằng rối nước
Hồ Ngọc Hà hối tiếc nhất những điều chưa dám làm
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Thắng: Trái tim tình nguyện “Mãi mãi một màu xanh”









Theo ngaynay.vn