Tây hào hứng, ta hững hờ

Đứa con tinh thần - vở xiếc “Làng tôi” của nhóm tác giả: Tuấn Lê, Nguyễn Nhất Lý, Nguyễn Lân Maurice được Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện từ khi ra đời đến lúc quay trở lại Việt Nam đã trải qua nhiều cung bậc chìm - nổi khác nhau. Cách tính của độ hấp dẫn nếu tạm tính bằng sức hút khán giả sẽ là sự đối lập “một trời, một vực”. “Một trời” ở đây là khán giả quốc tế yêu thích vở xiếc Việt, trong khi “một vực” chính là... khán giả Việt.



Ông Phạm Xuân Quang – Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhìn nhận: “Khán giả Việt dường như thích nghệ thuật xiếc truyền thống hơn là tiếp thu một tác phẩm xiếc đương đại. Ban lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã tạo điều kiện để “Làng tôi” đến gần hơn với khán giả, nhưng số lượng khách không đáng là bao nhiêu so với tâm sức diễn viên bỏ ra”.







Vở xiếc 'Làng tôi'.








Mỗi vở xiếc luôn hướng đến đối tượng khán giả khác nhau. Khán giả nhí thích xiếc vì phù hợp lứa tuổi. Trong khi đó, nhóm khán giả lớn tuổi hơn giờ lại khoái xem xiếc quốc tế trên mạng xã hội. Vì vậy, chung số phận với một vở diễn “kén” khán giả ngay tại sân khấu nhà, những người nghệ sĩ biểu diễn xiếc “Làng tôi” ít có cơ hội thể hiện tác phẩm.



Nản một phần vì “đứa con tinh thần” từng ngày “sống mòn” trong kho, nghệ sĩ Nguyễn Quang Thọ (sinh năm 1982)- Trưởng nhóm biểu diễn vở xiếc “Làng tôi” bày tỏ: Những nghệ sĩ trong nhóm thực hiện vở xiếc “Làng tôi” nhiệt tình tập luyện, dồn hết tâm huyết, mang “Làng tôi” ra sân khấu quốc tế. Nhưng khi vở diễn trở lại Việt Nam, có rất ít đất diễn và khán giả phần đông không mấy hứng thú. Điều này khiến chúng tôi rất buồn”– anh Thọ ngậm ngùi.
Truyền thông kém, khó hồi sinh

Là một trong những người từng xem nhóm nghệ sĩ biểu diễn vở xiếc “Làng tôi”, NSND Tâm Chính – nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhìn nhận: “Từ cây tre và thông qua các hoạt động cấy hái, dùng chiếc rổ, chiếc rá để tung hứng… vở diễn đã tạo nên một tác phẩm có nội dung và dùng giá trị nghệ thuật xiếc thể hiện “hồn quê” Việt Nam tới đông đảo công chúng quốc tế. Tuy nhiên, kỹ thuật xiếc trong tác phẩm được thể hiện chưa thực sự nhiều. Điều này cũng có thể là nguyên nhân khiến khán giả Việt xem một lần rồi khó lòng xem lại lần hai mặc dù là tác phẩm giàu giá trị và ý nghĩa”.



Với vở xiếc “Làng tôi”, một thành viên trong nhóm lý giải: Sự mờ nhạt của vở diễn bắt nguồn từ việc khai thác chất lượng nghệ thuật ở Việt Nam chưa đáp ứng được giá trị và tạo sức sống cho một tác phẩm được coi là điểm mới này.



“Việc quảng bá tác phẩm để thu hút các nhà đầu tư vẫn chưa được thực hiện một cách hoàn hảo dẫn đến sản phẩm giá trị như “Làng tôi” 2 năm ở Việt Nam thiếu trầm trọng đất diễn. Cũng giống như việc có một quyển sách hay, một cây bút đẹp cần phải biết cách truyền thông quảng cáo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút khán giả thì thật sự công đoạn cuối cùng Việt Nam ta chưa thực hiện được” - một nghệ sĩ tham gia biểu diễn xiếc “Làng tôi” cho biết.
Theo Dân Việt
Xem thêm:
Làng tôi - Cuộc hôn phối kì lạ của xiếc đương đại và âm nhạc cổ truyền
Viet Art Space và những hi vọng nâng đỡ hội họa Việt ra thế giới




Theo ngaynay.vn