Trần Ngọc Sinh là một “người thành phố” đúng theo nghĩa tự hào nhất mà người Sài Gòn cũ - TP Hồ Chí Minh hiện nay tự xưng, hoặc như người ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ khi trìu mến, khi xa cách gọi như thế. Anh sinh ra ở TP Hồ Chí Minh, có một thời gian ở Vũng Tàu cùng với gia đình, lớn lên đi học lại về thành phố và định cư ở đây.
Họa sĩ tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1999, chọn nghề biên tập khảo cứu văn chương tại NXB Trẻ và nghiệp vẽ. Anh chia hai việc đó làm đôi trong một ngày hoạt động, từ hàng chục năm nay, và vẽ cho mình một thứ hội họa thuần túy không bận tâm đến thị trường, đến cả đời sống của giới mỹ thuật ở chung quanh.
Trung bình cứ hơn bốn năm, họa sĩ lại có tác phẩm để “ra lò” triển lãm. Trong 16 năm kể từ khi ra trường, anh triển lãm hai lần tại thành phố quê hương, một lần tại Mỹ. Và đây là lần triển lãm cá nhân thứ tư, cũng là lần đầu Trần Ngọc Sinh đem tác phẩm của mình ra bắc.







Họa sĩ Trần Ngọc Sinh bên cạnh tác phẩm “Đi lui đi tới” khổ lớn nhất tại triển lãm





Họa sĩ yêu thành phố của mình - nơi anh sinh ra, một cách kiên trì, từ tốn. Và anh diễn tả muôn mặt “người thành phố” trong đó, lúc tĩnh lúc động, lúc ẩn lúc hiện bằng thể loại hội họa đặc sắc đương đại, không mặc định về chất liệu nào: chì, sơn dầu, acrylic ; vẽ trên vải hay trên giấy...
Các chuyên gia bình luận mỹ thuật xếp tác phẩm của Trần Ngọc Sinh vào thể loại biểu hiện, đang trên đường đi đến trừu tượng. Các tác phẩm không họa cái người vẽ nhìn thấy, mà hình và nét như thoát ra từ những ám ảnh trong tâm tưởng về những quan hệ trong đời sống. Yêu thành phố thời nay thì cũng không nhất thiết phải như cách danh họa Bùi Xuân Phái vẽ phố cổ Hà Nội ngày xưa, hoặc vô vàn họa sĩ “chép ảnh du lịch” ra tranh như bây giờ. Ở nghệ thuật biểu hiện - trừu tượng, cái đắc địa là đi sâu vào khai thác cảm giác cá nhân của mình (mà cảm giác nào chẳng trừu tượng) đối với cuộc sống, không gian và quan hệ chung quanh. Rồi chuyển tải điều đó lên tranh, gây được cho người xem những cảm giác ám ảnh, vừa rõ rệt, nhưng lại mơ hồ như có như không…
Hội họa và tâm tư của họa sĩ Trần Ngọc Sinh cũng giăng mắc trên mối băn khoăn về cái vòng quay thời gian và sự có - không “đi lui đi tới” luẩn quẩn của sự sống con người như vậy. Nó vừa cực đoan, vừa trừu tượng, vừa rõ ràng, lại vừa phóng túng bất định. Nó có thể xuất kỳ bất ý như vài nét vẽ chơi trên một vỏ bao diêm lúc chờ đợi, hoặc phân hạch giải phóng thành những cấu trúc mạng đa hướng và vô tận. Nó muốn chạm đến một quy luật mơ hồ nào đó mà chỉ bằng nghệ thuật người ta mới mong chạm đến,…
Những bức tranh tăng dần kích thước theo năm tháng, thì họa sĩ cũng “trừ” dần da thịt mầu, chỉ còn để lại xương hình và không gian tranh phát triển đa hướng phóng túng, đẩy chiều sâu chỉ bằng sắc độ và khoảng trống. Cho đến gần đây, họa sĩ chỉ còn vẽ thuần túy đen trắng và nét, bỏ hẳn mầu.
Nhìn thoáng qua thì như là vô vàn khuôn mặt được kết nối với nhau bằng cấu trúc mạng tinh vi và trừu tượng, như muốn đồng hóa hiện tại với quá khứ. Nhưng có lúc lại như một tấm bản đồ địa hình nhìn từ trên cao, mọi ngả đường, nhà cửa, cây cối, sông ngòi, nhịp sống thoăn thoắt vùn vụt sinh động, ngùn ngụt năng lượng hằng ngày ở một đô thị lớn nhất cả nước mà họa sĩ gắn bó, mặc dù nó to quá, không thể ôm nó được vào lòng mà vẫn muốn dang tay… Có rất nhiều tác phẩm trong triển lãm này làm ta liên tưởng đến âm thanh, dường như có một thứ hành khúc nhạc jazz với những âm thanh tự nhiên, sôi động của đường phố Sài Gòn thoát ra từ các bức họa.
Họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Đức Quý, người từng có ba triển lãm ấn tượng trước đây tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội nhận xét: “Tôi nghĩ đây là một triển lãm thành công. Tranh của Trần Ngọc Sinh đối với cảm nhận riêng tôi, như những bản nhạc không lời về chúng ta vậy. Những bản nhạc ấy không quá khốc liệt, dữ dội, chát chúa. Nhưng cũng không du dương, mềm lỏng, nỉ non. Nó muốn ghi lại những gì là tự nhiên, trung thực nhất từ âm thanh cuộc sống qua cách khai triển hình thể…”.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Con gái nhạc sĩ An Thuyên và những bí mật chưa tiết lộ về cha
- 'Ông hoàng nhạc đỏ' Trọng Tấn trải lòng về tuổi thơ đi bắt tôm, móc mua, ăn cơm độn
- Vũ Hùng: Nhà văn của rừng – thiên nhiên – muông thú






Theo ngaynay.vn