Tình huống tranh chấp xưa nay hiếm
Bài thơ Tổ quốc gọi tên được nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai sáng tác năm 2011 và sau đó được nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc mang tính thời sự cao, nhanh chóng có sức lan tỏa lớn đến cộng đồng. Tháng 7, năm 2015 bài thơ được đưa vào tập Tổ quốc gọi tên mình và được nữ nhà thơ cùng NXB Phụ Nữ tổ chức phát hành ra mắt đình đám. Tập thơ vừa phát hành đã liên tục được tái bản. Mọi việc sẽ không có gì đáng bàn khi bỗng nhiên có một kẻ tay ngang xuất hiện và tự nhận bài thơ do mình sáng tác từ năm 2008 và đã được anh đưa lên các mạng xã hội. Điều kì khôi là ngay cả chính bản thân anh, người làm thơ nghiệp dư có tên Ngô Xuân Phúc cũng cảm thấy ngờ ngợ với bài thơ mà anh tự cho là do chính tay mình viết ra.






Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai trong buổi lễ ra mắt tập thơ Tổ quốc gọi tên mình



Số phận bài thơ đặc biệt ở chỗ bản viết tay anh đã làm mất, máy tính anh đã thay, các trang mạng xã hội cá nhân anh đã xóa hoặc đã đóng cửa. Thế nhưng anh quả quyết đây là những vần thơ gan ruột của mình, đã được nhiều người đọc và chia sẻ. Và anh tuyên bố sẽ làm tất cả những gì có thể để đòi lại bản quyền bài thơ do chính anh sáng tác dù trong tay anh hiện không có bất kì bằng chứng nào để chứng minh điều đó. Trong lá thư ngỏ gửi nhà thơ Quế Mai anh viết “Tuy nhiên, số phận của phần lời ca khúc, hay bài thơ Tổ Quốc Gọi Tên Mình ít ai biết lại khá phức tạp, như chính tác giả của nó vậy. Đến đây chắc chị đã hiểu phần nào lí do tôi viết lá thư này. Vâng thưa chị Quế Mai, tôi và chị hiện đang là những người bạn trên trang mạng xã hội FaceBook, mới vài tháng trở lại đây, tôi xin nhắc lại tên mình đầy đủ trong lá thư này: tôi tên là Ngô Xuân Phúc, tôi sinh năm 1980 và hiện sinh sống ở Việt Nam. Và tôi chính là tác giả của bài thơ Tổ Quốc Gọi Tên Mình, bài thơ này năm 2008 đã được tôi chia sẻ ở blog cá nhân trên google, trên trang cá nhân ở mạng xã hội My Space và một vài trang mạng xã hội khác. Hồi đó tôi còn là một quân nhân, là giáo viên văn học trong Quân đội, đơn vị tôi ở Sơn Tây, Hà Tây, nay là Hà Nội. Sau này vì lí do đặc thù công tác và vì chuẩn bị chuyển công tác nên tôi mới xóa các blog, trang cá nhân. Nhưng ở thời điểm tôi đăng bài thơ này thì có khá nhiều người vào đọc và khen hay”. Cuối thư anh đề nghị “chúng ta nên giải quyết tốt đẹp, trả lại cho lịch sử, công chúng, độc giả sự thật, không nên tiếp tục như hiện nay khi mọi chuyện đã rõ ràng”.







Ngô Xuân Phúc, người tự nhận mình là tác giả bài thơ



Đáp lại những cáo buộc có phần vô cớ này, nhà thơ Quế Mai khẳng định bài thơ Tổ quốc gọi tên do chính chị sáng tác không có gì phải bàn cãi. Chị cũng đưa ra tối hậu thư cho đến 10/10 nếu anh Phúc không rút lại lời cáo buộc và xin lỗi chị thì chị sẽ đưa vụ việc ra tòa.
Cuộc bút chiến trên mạng xã hội
Kì án đạo văn này nhanh chóng được giới cầm bút quan tâm và tranh luận sôi nổi. Một cuộc bút chiến thực sự đã diễn ra xung quanh câu chuyện tranh chấp đầy bí ẩn này. Mở màn cho những tranh luận nhà thơ Phan Huyền Thư đăng tải trên trang cá nhân của mình “Nếu một chàng giáo viên dạy văn trong quân đội có những trăn trở, đau đáu để tuôn trào một bài thơ như 'Tổ quốc gọi tên mình' năm 2008 thì hoàn toàn có thể được đón nhận... Một thanh niên như Ngô Xuân Phúc lúc ấy có vụt lên những cảm xúc để post trên blog một bài thơ như vậy cũng đáng cảm động chứ sao?”. Chị tỏ ra nghi ngờ 'Mình đã từng viết trên máy bay, chủ yếu bằng Ipad, phần 'Note' trong Iphone hoặc bằng sổ tay, giấy bút hẳn hoi... Mình chỉ hơi quan ngại khi Mai viết bằng giấy ăn (tissue???) trên máy bay vì giấy đó rất khó viết bằng bất kỳ loại bút nào: bút mực, bút bi hay bút chì. Mình cũng đi nhiều hãng Hàng không quốc tế rồi, ngay cả các hãng bay sang châu Âu cũng chỉ có giấy ướt và một loại giấy khăn ăn xốp và dai để lau tay lau miệng.... Viết lên túi nôn chắc sẽ dễ hơn chăng???'.







Tập thơ Tổ quốc gọi tên mình



Trong khi đó nữ sĩ Bình Nguyên Trang cho hay: “Sự thật thế nào sẽ được làm sáng tỏ, hoặc là sẽ chẳng bao giờ được làm sáng tỏ, như rất nhiều nghi án đạo văn chương ở ta đã bỏ lửng thậm chí cả thế kỷ qua. Nhưng hiện tại chị Nguyễn Phan Quế Mai đang có nhiều lý lẽ hơn để bảo vệ bản quyền bài thơ của mình.
Tôi vừa đọc lại bài thơ một lần nữa, và thêm một lần quả quyết bài thơ không hay. Toàn bài thơ có thể tóm gọn trong câu nói, tôi yêu Tổ Quốc mình lắm. Và câu nói đó là quyền chung của mọi người dân. Ai cũng được quyền nói yêu Tổ Quốc mình. Cũng như ai cũng được quyền được 'Tổ Quốc gọi tên'. Mọi công dân đều bình đẳng mà.
Có lẽ vì anh Phúc tự biết bài thơ của mình (giả sử trường hợp anh Phúc là tác giả thật của bài thơ) dẫu được viết từ trái tim nhưng chưa phải là tác phẩm nghệ thuật có giá trị lớn (như sau này nó trở thành) nên cũng chẳng định làm to chuyện. Có lẽ anh nghĩ, bài thơ thể nào chả chết yểu, kiện làm gì. (Thì mấy năm qua anh Phúc mới im lặng không lên tiếng).
Bài học ở đây là: Một bài thơ không hay vẫn có thể nổi tiếng. Nên ai đã trót làm bài thơ nào, hay hay không hay không cần biết, phải có ý thức giữ gìn bản thảo cũng như các thông tin, bằng chứng để chứng minh đó là tác phẩm của mình khi cần. Tránh việc kiện tụng không biết đường nào mà lần như câu chuyện liên quan đến bài thơ 'Tổ Quốc gọi tên'.
Tiếp tục cuộc tranh luận nhà thơ Trương Xuân Thiên lại có một góc nhìn khác “Xét rộng ra trên bình diện văn học sử thì tinh thần yêu nước mang tính sử thi chỉ có ở các đấng nam nhi. Thơ về tổ quốc có yếu tố chính trị, sử thi, đúc kết, chiến đấu... đều do các sĩ phu phóng bút trong những hoàn cảnh xã tắc lâm nguy. Từ Nam quốc sơn hà, Tụng giá hoàng kinh sư, Cảm hoài, Thuật hoài, Cáo bình ngô, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc cho tới Mặt đường khát vọng, Dáng đứng Việt Nam, Tổ quốc nhìn từ biển... vẫn đồng nhất trong mạch ngầm ấy. Phụ nữ yêu nước rất khác, không hô hào, không đao to búa lớn, không vĩ mô hóa, chính trị hóa. Họ thể hiện tình yêu theo cách riêng, gần gũi, nhẹ nhàng, bé mọn mà tha thiết. Đọc lại thơ Thúy Bắc, Lê Thị Mây, Xuân Quỳnh, Dương Thị Xuân Quý, Lâm Thị Mỹ Dạ... chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt đó”.
Nhà phê bình Hoài Nam chỉ nêu quan điểm hết sức ngắn gọn: “Mất công phân tích quá dài cho một bài thơ quá dở! Tôi giữ nguyên ý kiến: bài thơ này là hơi và giọng của 'Ta đi tới' kéo dài. Beaudelaire bảo: nhà thơ cần tạo ra một rừng biểu tượng; ở đây chỉ thấy một rừng khẩu hiệu. Bài thơ như thế, ai là tác giả quan trọng gì?”
Ở phía ngược lại nhà thơ Ly Hoàng Ly chia sẻ: “Dĩ nhiên sự thật ai là tác giả bài thơ mà rõ ra được thì hay. Cũng có thể ý tưởng lớn gặp nhau chăng? Có thể lắm đó. Nhưng khi trăm tuổi rồi các tác giả đâu đem cái gì theo mình được, và giả sử trái đất này đến một lúc nào đó bị nổ tung thì sao. Ly có nghĩ huề cả làng quá không nhỉ.Nhưng nói thật, Ly nghĩ Nguyễn Du chắc chẳng cần người đời biết ông là tác giả Truyện Kiều đâu. Ly cũng thấy sẽ là bình thường nếu một ngày kia Ly mất trí nhớ đến mức chẳng nhớ tác giả Truyện Kiều là ai. Quan trọng là những câu thơ trong Truyện Kiều đã đem lại điều gì cho Ly, cho Ly học hỏi được điều gì... Ly sẽ chia sẻ những hiểu biết đó của mình với con Ly, học trò Ly, bạn bè Ly. Có phải đó mới là giá trị đích thực mà một tác phẩm đem lại cho xã hội”.
Trong khi đó nhà thơ Nguyễn Quang Hưng lại khẳng định “<em style='text-align: left;'>Thực tế, trong đời sống văn nghệ ở ta, việc một người nào đó “bí mật” lấy một bài thơ của người khác để dự thi, đăng báo, in sách… không phải là việc hiếm. Ở trường hợp này, dường như có dấu hiệu của việc muốn “đính tên” mình vào trí nhớ công chúng nhân một tác phẩm nổi tiếng của người khác. Và liệu có ý đồ gì nữa đằng sau việc đòi tác quyền khá bất thường này, nhất là khi việc xét giải văn chương của nhiều hội nghề nghiệp đang “vào mùa”.[/I]
Ma trận của một kì án
Trong khi những người cầm bút đang sục sôi bút chiến thì phóng viên Tiểu Vũ đã có một cuộc điều tra độc lập rất chi tiết. Kết quả của cuộc điều tra độc lập được anh công bố công khai trên facebook cá nhân với kết quả vô cùng đanh thép. Bản kết luận cuộc điều tra có đoạn “Lần theo dữ liệu mà anh Phúc viết trên FB rằng anh đưa bài thơ này lên mạng từ năm 2008 và được một người ở Hội nhà văn đọc và khen bài thơ hay (đến nay nhà văn đó vẫn chưa lên tiếng). Địa chỉ 2 trang mạng anh Phúc đăng lên là My Space và Blog Google với tên nick là Phượng Hoàng, nhưng sau đó vì một nguyên nhân gì không rõ anh Phúc đã xóa đi. Trường hợp của anh Phúc mình đã dùng công cụ Wayback Machine để tìm.Trang Wayback của Archive là công cụ tốt nhất để xem các trang web đã bị xóa. Nó là một phần của Internet Archive, một tổ chức phi lợi nhuận cố gắng lưu trữ tất cả nội dung trên internet, chứa khoảng 435 tỉ trang web. Trang web được lưu giữ theo các khoảng thời gian khác nhau.
Bên cạnh đó mình cũng bỏ ra hơn một ngày để tra Google, Bing, MSN và các công cụ tìm kiếm nổi tiếng của thế giới với các chức năng từ thông thường đến nâng cao bằng từ: “Tổ Quốc gọi tên” “Tổ quốc gọi tên mình”. Kết quả cho thấy trong khoảng thời gian từ 2008-2010 hoàn toàn không có bất kỳ bài thơ nào có nội dung như vậy được lan truyền trên mạng”.
Tưởng như kết quả cuộc điều tra độc lập của Tiểu Vũ đã đi đến hồi kết của vấn đề thì nhà báo Đậu Dung trong bài báo của mình đăng trên báo Công an nhân nhân lại dẫn ra một nguồn tin hết sức tin cậy. Bài báo dẫn lời nhà thơ Bàng Ái Thơ cho biết bà đã từng đọc bài thơ này từ những năm 2009 do một sĩ quan trẻ sáng tác và cũng đã nỗ lực tìm người phổ nhạc cho bài hát nhưng bất thành. Bà khẳng định tất cả thông tin mình phát ngôn hết sức thận trọng tuy nhiên hiện văn bản bài thơ bà đã làm thất lạc nhưng vẫn còn những đầu mối chứng kiến câu chuyện và có thể làm chứng về điều này.






Bản in bài thơ Tổ quốc gọi tên mình được ghi năm sáng tác 1979 tại chiến trường Campuchia



Câu chuyện tưởng chừng như đi vào ngõ cụt thì gần đây, một bài thơ có tên Tổ quốc gọi tên mình của tác giả Trương Công Mùi công bố từ năm 1979 được tìm thấy trên mạng với nhiều ý tứ và câu thơ gần giống Tổ quốc gọi tên lại khiến công chúng như lạc vào ma trận trong kì án văn chương hy hữu này.
Rốt cuộc, Tổ quốc gọi tên ai vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Ngày nay online sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và thông tin đến độc giả khi có những tình tiết mới.




Theo ngaynay.vn