Phóng viên (PV): Đưa nét văn hóa, nghệ thuật châu Âu vào ao rối nước Việt, nghe hấp dẫn nhưng cũng có thể “chông gai”, thưa nghệ sĩ?
NSƯT Chu Lượng (CL): Ý tưởng cho hai tiết mục này tôi có từ lâu nhưng nay mới có dịp cho anh em làm và cũng để đồng nghiệp trong và ngoài nước nhân liên hoan múa rối quốc tế dịp này, xem có gì mới không.







NSƯT Chu Lượng





Quả là thử thách không nhỏ, “giải phẫu” làm sao cho rối “múa” được ballet, và mạnh dạn đưa quân rối mang hình ảnh nghệ sĩ “tây”, đấu sĩ “tây” trên nền âm nhạc cổ điển nước ngoài vào không gian thủy đình của ta. Nhưng điều quan trọng có thể làm được, đó là các môn nghệ thuật như kịch, múa, vũ ballet… vốn thể hiện tâm trạng rất đa dạng, hoặc môn đấu bò có sự căng thẳng, dồn nén rất cao, còn khi đưa vào rối nước thì con rối vẫn giữ được sự hồn nhiên.
PV: Ông lý giải trạng thái này thế nào?
CL: Xem nó ta không thấy đau khổ hay sức ép nào mà thấy vui tươi, trong sáng, trong một khung cảnh lung linh, trang trọng và rất Việt Nam. Cộng thêm ý nghĩa tương tác, giao lưu văn hóa, tôi tin rằng các tiết mục này nếu được đưa đi phục vụ các chương trình giao lưu, đối ngoại văn hóa, khán giả nước ngoài sẽ rất thích. Tôi từng tạo hình và đưa tiết mục rối nước đấu Sumo, mặc kimono sang Nhật Bản, khán giả rất hoan nghênh và có thiện cảm.
PV: Đó là với “tây”, còn với “ta”, theo ông rối nước có được gì với những thử nghiệm mới như vậy?
CL: Đó là khả năng mở rộng biên độ khi rối nước Việt Nam cũng có thể khai thác, mang chứa được đề tài, dáng nét, âm điệu nghệ thuật, văn hóa nước ngoài chứ không chỉ là chèo, dân ca, nhạc cụ cổ truyền Việt Nam. Thời gian qua tập hai tiết mục này, diễn viên của chúng tôi tiếp cận với cái khác những gì quen thuộc, mở rộng thêm về thẩm mỹ, đó là sự kích thích sáng tạo từ cái đã có, bằng nghệ thuật cổ truyền.
PV: Vậy ông đã vận dụng chính nét cổ truyền vào tiết mục mới như thế nào?
CL: Động tác, đội hình của các vũ nữ ballet được tham khảo từ các cô tiên. Con bò có sự tiếp thu từ tạo hình của con lân khi chúng đuổi nhau. Rồi khi đấu sĩ đâm dao vào mình nó, không phải máu bắn lên mà là… sữa. Đó là “học” cách phun nước của con rồng. Đấu sĩ bò thì bơi lội được như đám trẻ làng trong trò “Nhi đồng hý thủy”… Chúng tôi có sự lồng ghép, dàn dựng với tinh thần sao cho hợp lý thì sẽ được chấp nhận.
PV: Xin cảm ơn nghệ sĩ!




NSƯT Hoàng Tuấn - Giám đốc nhà hát: Tham gia liên hoan lần này, nhà hát có ba tác phẩm hoàn toàn mới: Hai vở rối cạn “Trái tim người mẹ” và “Hào quang từ quá khứ” (phỏng theo trích đoạn “Hai cây phong” trong tác phẩm “Người thầy đầu tiên” của nhà văn Liên xô cũ nổi tiếng Ai-ma-tốp) và tiết mục “Bay lên từ mặt nước”. Cái khó với tiết mục này, là diễn viên phải có nhạc cảm tốt, nghe phải tinh mới điều khiển được con rối theo nhạc. Con rối lại bằng gỗ và khả năng vận động của nó rất có hạn, nhưng phải làm sao có được một phần mềm mại, uyển chuyển trong đó. Chúng tôi mong sẽ có dịp đưa các tác phẩm mới đi diễn phục vụ khách quốc tế.

Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- 300 gian hàng tham gia Liên hoan văn hóa Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội 2015
- Rối nước giữa lòng Sài Gòn
- Múa rối nước: Sắc màu độc đáo từ những 'nghệ nhân' 9x




Theo ngaynay.vn