Đòi tác quyền nhưng không có cơ sở


Bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của nữ nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai được sáng tác năm 2011, sau đó đã được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc thành bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” với gần như nguyên vẹn nội dung lời thơ. Bài hát đã lan tỏa rộng rãi mấy năm qua trên sóng phát thanh, truyền hình, trên các sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp cho đến các chương trình văn nghệ tại nhiều địa phương và ở các đơn vị…

Một người tên là Ngô Xuân Phúc ở Vinh (Nghệ An) vừa lên tiếng cho rằng mình mới là tác giả bài thơ này. Trong thư đề “Vinh, ngày 28-9-2015”, ông Phúc viết gửi Quế Mai: “Mong chị sẽ là vì trách nhiệm với nghề, với đất nước mà làm hết mình vì bài thơ, và nay vui vẻ trả lại nó cho chủ nhân đích thực”. Từng gửi thư cho nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ngày 8-1-2015, ông Phúc nhờ nhà thơ tác động để Quế Mai “trả lại” bài thơ cho mình. Trong một số lần hồi âm báo chí mấy ngày qua, ông Phúc tiếp tục khẳng định mình là tác giả.







Ảnh chụp đoạn viết của tác giả Ngô Xuân Phúc gửi nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai ngày 10-8-2014.








Tuy nhiên, trong những lá thư lại không có những thông tin, chi tiết cụ thể để chứng minh mà chỉ là những lý giải vòng vo với nhiều điểm không tương đồng. Có lúc tác giả Phúc kể, bài thơ được mình chia sẻ ở blog cá nhân trên google năm 2008, sau đó đã xóa các blog, trang cá nhân, bản thảo bài thơ bị thất lạc, rồi máy tính hỏng nên mất luôn cả bài viết về “giai thoại” mất bài thơ này. Khi thì tác giả Phúc nói bài thơ được phác thảo năm 2009 trở về trước, bị mất bản viết tay ở Sơn Tây (Hà Nội)…
Đặc biệt, chính một lá thư ông Phúc từng “chia sẻ” với Quế Mai ngày 10-8-2014 đã “phản đối” chính người viết. Trong đó, ông Phúc nhận xét bài thơ hay, góc nhìn Tổ quốc - biển đảo có những điểm gần gũi với điều mà tác giả này muốn diễn đạt trong thơ mình. Ở đây, ông Phúc cho biết, bài thơ về biển đảo của mình được phác thảo năm 2009 khi đang ở Nghệ An chờ quyết định chuyển công tác từ Hà Nội. Nhận xét về người đang đòi mình “trả thơ”, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai ngạc nhiên: “Tại sao khen hay nếu mình đã lấy cắp bài thơ của ông ấy?”.




Trong mạch chảy thơ về đất nước


Nữ nhà thơ rất bức xúc và trong những ngày qua đã viết thư gửi đến nhiều báo, thể hiện thái độ của mình cùng những thông tin, nhân chứng xác minh về việc mình đã sáng tác, đăng tải bài thơ “Tổ quốc gọi tên” như thế nào.

Tháng 7 năm nay, NXB Phụ nữ ấn hành tập thơ “Tổ quốc gọi tên mình” của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Được đón nhận nồng nhiệt trên cả nước, tập thơ này đã được in đến lần thứ ba. Được biết, NXB Phụ nữ trong quá trình thẩm định để xuất bản tập thơ, đã ký hợp đồng bản quyền với tác giả. Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã cam kết mình là tác giả của tập thơ “Tổ quốc gọi tên mình”, trong đó có bài thơ “Tổ quốc gọi tên”. Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc NXB cho biết: Trước sự việc ông Ngô Xuân Phúc đòi nhận mình là tác giả bài thơ này, NXB đã một lần nữa làm việc với chị Quế Mai. Chị có đầy đủ các bằng chứng khẳng định chị là tác giả bài thơ “Tổ quốc gọi tên”. Cũng như tác giả Nguyễn Phan Quế Mai, chúng tôi đề nghị ông Ngô Xuân Phúc có trách nhiệm với những phát ngôn và hành vi của mình”.







Tập thơ 'Tổ quốc gọi tên mình' của tác giả Nguyễn Phan Quế Mai.






Đánh giá về tập thơ, bà Hoa Phượng cho rằng, có sự gần gũi, tương đồng về ngôn ngữ, giọng điệu giữa “Tổ quốc gọi tên” với nhiều bài thơ khác, cùng mang âm hưởng hướng về đất nước, dân tộc, lịch sử, văn hóa Việt Nam. Tập thơ có những đoạn như: 'Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi/ Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ/Thắp lên ngọn đuốc Hòa Bình bao người đã ngã/Máu của Người nhuộm mặn sóng Biển Đông' (“Tổ quốc gọi tên”); 'Về dòng thác người chảy về muôn hướng/ Chảy không nguôi dòng máu Lạc Hồng…' (“Là Việt”); “Ta tan mình vào lòng đất nước/Dưới ngọn cờ sáng rực tiếng cha ông/ Xung quanh ta triệu người dân đất Việt/ Siết tay nhau hóa biển sóng hòa bình/ Siết tay nhau đem ánh sáng bình minh/ Đem sự thật đập tan lòng tham, bóng tối' (“Biển là Tổ quốc”)… Bà Hoa Phượng nhận định: Tình yêu Tổ quốc trong thơ Nguyễn Phan Quế Mai được thể hiện qua những ngôn từ gần gũi song đặc biệt giàu cảm xúc, tác giả là người truyền lửa, người thắp sáng và là người lan truyền mạnh mẽ thông điệp tình yêu đất nước trong cộng đồng…

Thực tế, trong đời sống văn nghệ ở ta, việc một người nào đó “bí mật” lấy một bài thơ của người khác để dự thi, đăng báo, in sách… không phải là việc hiếm. Ở trường hợp này, dường như có dấu hiệu của việc muốn “đính tên” mình vào trí nhớ công chúng nhân một tác phẩm nổi tiếng của người khác. Và liệu có ý đồ gì nữa đằng sau việc đòi tác quyền khá bất thường này, nhất là khi việc xét giải văn chương của nhiều hội nghề nghiệp đang “vào mùa”

Xem thêm:
Đọc thơ Nguyễn Phan Quế Mai để thấy “Tổ quốc gọi tên mình”
Những cái tên của giải Sách hay 2015
Khát vọng trong tiềm thức người Việt về những giấc mơ


Theo ngaynay.vn