“Còn lại tiếng người hót đắng cay” được Linh Lê tập hợp những bài thơ chắt chiu từ cảm xúc tình yêu bao năm dồn chứa và những tâm sự cô dành cho người tình. Ở đó, định mệnh là người đàn ông được cô dành nhiều trang viết và yêu thương. Cái cách cô yêu và được định mệnh yêu - nói về bản chất thì cũng giống như bao cuộc tình khác, nhưng trong phạm vi của mối quan hệ này, để chiều lòng được một người đàn bà “yêu đương vốn nhiều mâu thuẫn” như cô quả là điều không dễ dàng, và có cả một sự kiên trì, bền bỉ.







Tập thơ 'Còn lại tiếng người hót đắng cay' của tác giả Linh Lê.








Trong “Còn lại tiếng người hót đắng cay”, phần tự sự trước mỗi bài thơ chỉ xoay quanh hai nhân vật chính là tôi và định mệnh. Câu chuyện của tôi và định mệnh, là câu chuyện về 2 tâm hồn giống nhau đến lạ lùng, chúng tôi là hai đường thẳng song song, cùng chiều, luôn nhìn nhau, đuổi theo nhau và chẳng bao giờ muốn nhập lại thành một. Đến một ngày vô tình nhìn lại đằng sau thì quãng đường theo nhau đã dài. Trên quãng đường ấy, chúng tôi đã trao sinh mạng và linh hồn của người này vào tay người kia, chúng tôi đã ném tất cả gai góc và cay nghiệt của cuộc đời về phía nhau. Chúng tôi đã hy sinh tất cả và cũng giữ lại tất cả. Trong những lần cuồng nộ bản thân và trong những cơn say tình ủ ê, tôi trách bản thân mình đã làm khổ nhiều người vì



Định mệnh, nhưng sau cùng của tất cả, tôi nhận ra người khổ nhất, chính là mình. Để nói về mình, ngay từ đầu tập thơ, Linh Lê bảo: “Tôi là một mẫu đàn bà vốn tồn tại bởi rất nhiều mâu thuẫn, đặc biệt là trong tình ái. Tôi yêu một cách đầy mâu thuẫn và đối lập, mà có lẽ những người đàn ông đã từng yêu, từng bên cạnh tôi mới phần nào cảm nhận được điều này…Nhiều người đã nói thế, và tôi tin ở những khoảnh khắc tình yêu bất tận, đó là chân lý'.







Linh Lê: 'Tôi là một mẫu đàn bà vốn tồn tại bởi rất nhiều mâu thuẫn'.








Không phải sến sẩm đong đưa, không “trót lưỡi đầu môi”. Những người đàn ông yêu tôi, họ đã từng tin một cách mãnh liệt rằng mình “không thể yêu một người đàn bà nào khác, ngoài con người này.”



Tôi luôn có những sự bắt đầu đầy kiêu hãnh. Và tôi, cũng bắt đầu yêu một người đàn ông nào đó bằng nhận định như vậy… Dẫu vậy, tận sâu trong đáy tim tan vỡ của một ả đàn bà nhiều đối lập, mâu thuẫn và cả ích kỷ, vẫn chưa từng hết nguôi ngoai rằng tình yêu đó, liệu sẽ trôi đi mãi mãi chăng? Và người tình, liệu sẽ quên đã từng yêu mình đến thế?... Dù ta đã không còn gọi tên người, không còn đứng quay quắt trên những con phố đợi người…”.







Nhạc sĩ Quốc Bảo cho rằng Linh Lê kể chuyện ngày hôm qua của nàng đúng vào lúc chiếc thuyền tình vượt qua nơi ngặt nghèo nhất, hiểm nguy nhất của con sông đời.





Nhạc sĩ Quốc Bảo thì cho rằng tập thơ 'Còn lại tiếng người hót đắng cay' của Linh Lê là một dòng ký ức, ấy là nơi khởi sinh những hiện tượng kỳ lạ mà quá khứ, nỗi tiếc nhớ, những ẩn ức và thương tâm không bao giờ có thể tưởng tượng ra được. Ở khúc quanh ngặt nghèo nhất của một con sông, ấy là bắt nguồn của gió thênh thang, của mùa thu dịu nhẹ, của nước chập chờn, của hoàng hôn đỏ mà nơi đó, mọi tổn thương và lo âu và u uẩn tích tụ bấy lâu sẽ tan biến cùng sóng.



Tan biến cùng ánh sáng cuối ngày. Linh Lê kể chuyện ngày hôm qua của nàng đúng vào lúc chiếc thuyền tình vượt qua nơi ngặt nghèo nhất, hiểm nguy nhất của con sông đời; câu chuyện của nàng cất lời chẳng phải để bảo lưu một mớ ký ức đóng bụi mà để tưới tắm cho một mầm cây mới. Sắc, là sắc đời mới. Hương, là hương tình mới.



Đừng để nàng dẫn dụ chúng ta vào những ngõ sướt mướt đầu mày cuối mắt cố nhân 'Tình tôi cũng trôi theo mùa hương cũ / Cố nhân ơi, có nhớ bóng quay về?'; nàng chỉ khơi mào câu chuyện mới bằng một cái cớ cổ xưa cho thuận miệng, đốt lò hương cũ là vậy.



Làm như thể chỉ có đoạn đời đã mất mới chất chứa hạnh phúc! Làm như thể đóa hoa tàn mới lưu hương! Chẳng nên để Linh Lê dắt chúng ta ngược về những ảo tượng ấy; hãy cùng nàng xuôi dòng sông thơm hương về phía ngày mai: bởi nàng -người kể chuyện - đã đoạn tuyệt từ lâu với bộn bề ký ức.



'Không còn gì để say / Không lời thỉnh cầu cuối'Vậy nên, cơn say bây giờ nếu có, với thơ Linh Lê, cũng phải là cơn say khôi nguyên, dạn dĩ và hân hoan tràn đầy.

.



Linh Lê tên thật là Nguyễn Huyền Linh, sinh năm 1986 tại Đà Nẵng trong một gia đình có truyền thống về văn chương. Cô từng đoạt các giải thưởng dành cho thơ ca và truyện ngắn trong cuộc thi viết do Hội văn nghệ thiếu nhi thành phố Đà Nẵng tổ chức năm 1999.

Đến nay, Linh Lê đã xuất bản các tiểu thuyết: Không khóc ở Kuala Lumpur (2010), Mùa mưa ở Singapore (2011) Người tình Sài GònCô hiện là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.




Xem thêm:
Ba nữ nhà văn - họa sĩ ra mắt sách thiếu nhi
Ông chủ khách sạn chó mèo và tập tản văn độc đáo


Theo ngaynay.vn