Có rất nhiều sự kiện, nhân vật trong cả ngàn năm lịch sử dân tộc Việt Nam cho đến nay, hậu thế vẫn chưa có lời giải đáp.


Vụ án Lệ Chi Viên




Thảm án Lệ Chi Viên được người đời sau nhắc lại với những bí ẩn vẫn chưa thể có câu trả lời (Trích cảnh nhà Lê xử án ba họ cụ Nguyễn Trãi)


Vụ án Lệ Chi Viên, tức vụ án vườn vải là vụ án mà Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ bị triều đình quy tội giết vua Lê Thái Tông, dẫn tới tru di tam tộc.


Bản thân vụ án được 3 nguồn chính sử đề cập là Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mụcLịch triều hiến chương loại chí.


Tại 3 nguồn nêu trên, đều nhắc đến thời điểm xảy ra vụ án là khoảng tháng 7 Âm lịch, tức năm Nhâm Tuất 1442, năm Nguyễn Trãi 63 tuổi (theo Lịch triều hiến chương loại chí) và vợ là Thị Lộ đón vua về ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi sau khi vua đi tuần ở miền Đông và duyệt quân ở thành Chí Linh (Hải Dương).


Ngày 4 tháng 8 Âm lịch vua về đến Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định (nay là thôn Đại Lai, xã Đại Lao, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), cùng đi với vua là thiếp của Nguyễn Trãi. Bà Thị Lộ khi đó nhờ xinh đẹp, có tài văn chương nên được vua phong chức Lễ nghi học sĩ, được vào hầu bên cạnh vua.


Đêm đó, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi mất. Các quan bí mật đưa thi hài vua Lê Thái Tông về đến kinh, nửa đêm ngày 6 tháng 8 Âm lịch mới phát tang. Thị Lộ bị quy tội giết vua, sau khi thái tử Bang Cơ - tức Lê Nhân Tông - khi đó mới 2 tuổi lên nối ngôi, triều đình bắt Nguyễn Trãi rồi tru di tam tộc.




Lệ Chi Viên

Các bản chính sử đều cho rằng, đây là một vụ án oan. Vua Lê Nhân Tông sau này xem sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi từng cho rằng: "Nguyễn Trãi là người trung thành… Không may bị người đàn bà gây biến, để người lương thiện mắc tội là rất đáng thương".


Vua Lê cho rằng Nguyễn Thị Lộ mới là người gây ra cái chết cho vua chứ không phải là Nguyễn Trãi, sau đó ban chiếu minh oan cho ông, truy tặng Nguyễn Trãi tước Tán Trù bá.


Tuy nhiên, trong cuốn Nhìn lại lịch sử xuất bản năm 2003 của nhóm tác giả Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ lại cho rằng, chủ mưu vụ án là Nguyễn Thị Anh, vợ thứ vua Lê Thái Tông. Cho đến nay, thủ phạm thực sự là ai vẫn còn là một bí ẩn.


Ai là người viết nên bài thơ "Nam quốc sơn hà"


"Nam quốc sơn hà nam đế cư; Tiệt nhiên định phận tại thiên thư; Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm; Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư". Bốn câu thơ hùng tráng, được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam gắn liền với tên tuổi của danh tướng Lý Thường Kiệt và chiến thắng trước quân Tống xâm lược tại sông Như Nguyệt năm 981.


Nhiều nguồn sử ký cho rằng, đó là bài thơ thần, do thần đọc giúp Lý Thường Kiệt, có ý kiến lại cho rằng đó là do Lý Thường Kiệt viết nên rồi cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát với giọng hào sảng, vang dội như sấm khiến quân Tống mất hồn xác.




Bản khắc gỗ và bản dập bài "Nam quốc sơn hà" trong Mộc bản triều Nguyễn tại khu trưng bày Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV - Đà Lạt


Theo sách Lĩnh Nam chích quái, vào năm Thiên Phúc nguyên niên hiệu vua Lê Đại Hành, Tống Thái Tổ sau Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng cất quân xâm lược nước Nam. Vua Lê Đại Hành đêm ngủ mộng thấy hai anh thần nhân ở trên sống trên sống nói là Trương Hống, Trương Hát xưa theo Triệu Việt Vương, nay muốn cũng nhà vua đánh giặc cứu sinh linh.


Vua tỉnh dậy liền đốt hương cầu khấn, đêm ấy quả nhiên thấy một người dẫn đoàn âm binh áo trắng và một người dẫn đoàn âm binh áo đỏ từ phía Bắc sông Như Nguyệt cùng xông vào trại quân Tống mà đánh, thần nhân tàng hình trên không lớn tiếng ngâm bốn câu thơ trên.


Một số sử gia hiện đại đặt giả thiết tác giả bài thơ này là những bậc đại sư thời đó như Khuông Việt hay Pháp Thuận, song tính thuyết phục không cao. Vì vậy, tác giả của bài thơ nổi tiếng này, cho đến nay vẫn còn là một câu hỏi lớn.


Theo Dân Việt





Theo ngaynay.vn