Nhiều người tỏ ra rất bức xúc với hành vi của nữ sinh này khi tát bạn đến hơn 50 chảy cả máu mũi. Nhưng việc xử lý đối với hành vi đó không hề đơn giản khi các em chưa đủ 14 tuổi.


Trước đó, như đã đưa tin về vụ việc nữ sinh lớp 8 trường THCS 15/10 (Tiểu khu Tiền Tiến, thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) tát bạn 50 cái tới bật máu mũi, thâm tím mặt ngay trong lớp học khiến nhiều người bức xúc và có nhiều ý kiến trái chiều về hành động của nữ sinh này.


Thông tin về nguyên nhân dẫn đến vụ việc này, chiều ngày 5/5, trao đổi với PV, ông Đào Xuân Tư – Trưởng Công an, thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho hay: “Nguyên nhân xảy ra vụ việc là do hai em học sinh này mâu thuẫn, cãi chửi nhau trên mạng xã hội Facebook, sau đó có truyền tải cho một bạn nữa nên đã dẫn đến xô xát”




Độ tuổi các em còn nhỏ nên biện pháp xử lý cũng cần phải phù hợp (ảnh cắt từ clip)

“Hai em học sinh này chưa đủ 14 tuổi, hai em không nhận thức được hành vi của mình. Chúng tôi sẽ hoàn thiện hồ sơ vụ việc kèm với giấy khai sinh của các em, sau đó sẽ gửi sang bên nhà trường để nhà trường xem xét kỷ luật”.


Cũng nhận định dưới góc độ pháp lý của vụ việc, luật sư Giang Văn Quyết, giám đốc công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật, Đoàn luật sư TP. Hà Nội chia sẻ: Sự việc một nữ học sinh tát bạn đến hơn 50 cái bật máu ngay tại trường lớp học một lần nữa cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường. Điều đó cho thấy sự nhận thức của các em về tình bạn, về sự đoàn kết là còn yếu kém.


Tuy nhiên, để xử lý nhóm hành vi ở độ tuổi này cũng không phải dễ dàng. Các em chưa đủ tuổi để xem xét trách nhiệm hình sự và ngay cả áp dụng hình thức đuổi học cũng có thể đẩy các em đến bước đường cùng.


Theo tôi, đối với những trường hợp này cần phải cho các em ngồi “đối thoại” nói chuyện với nhau, cha mẹ, thầy cô cùng phải ngồi vào phân tích để các em nhận ra cái sai, cái đúng. Rõ ràng, một phần trách nhiệm thuộc về nhà trường và gia đình khi chưa tìm hiểu nắm bắt được sự việc. Nhất là khi nó đã có những mầm mống từ mạng xã hội mà chúng ta không ngăn chặn được kịp thời.


“Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần giáo dục đến toàn thể các học sinh về tinh thần đoàn kết, giúp đỡ bạn khi gặp nạn. Để xảy ra tình trạng đánh nhau đã rất đáng buồn nhưng để học sinh vô cảm, thậm chí là hoan hỷ trước bạo lực ngay trước mắt còn đáng buồn hơn. Các em này cũng cần phải bị kiểm điểm, giáo dục ở một hình thức nhất định”, luật sư Giang Văn Quyết cho hay.


Hằng Nguyễn





Theo ngaynay.vn