Lễ hội năm nay diễn ra với nhiều nghi lễ truyền thống mang đậm màu sắc dân gian như: Lễ cáo yết, lễ khai ấn tại đền Kiếp Bạc, lễ dâng hương tưởng niệm 715 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, lễ dâng hương tưởng niệm 573 năm ngày mất của Nguyễn Trãi, lễ rước bộ, lễ hội quân trên sông Lục Đầu, lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu, lễ giỗ đức Thánh Trần trên núi Mâm Xôi, liên hoan diễn xướng hầu thánh, liên hoan rối nước tỉnh Hải Dương lần thứ VI, Giải đua thuyền...



Điểm nhấn của Lễ hội năm nay chính là Lễ tưởng niệm 715 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và tuyên truyền hướng tới việc trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Côn Sơn, Kiếp Bạc - Vĩnh Nghiêm là Di sản thế giới.







Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc trong lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc.








Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) là quần thể di tích gắn bó mật thiết với cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228 – 1300); Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380 – 1442); là chốn tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần và là nơi tu hành, viên tịch của Thiền sư Huyền Quang (1254 – 1334) - vị tổ thứ 3 của thiền phái Trúc Lâm.



Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn vốn có tài quân sự, lại là tôn thất nhà Trần, do đó trong cả 3 lần quân Nguyên-Mông tấn công Đại Việt, ông đều được Vua Trần cử làm tướng chống giặc. Đặc biệt ở kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ 2 và thứ 3, ông được Vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công Tiết chế các đạo quân thủy bộ.



Dưới tài lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi quân Nguyên-Mông ra khỏi nước. Sau khi kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ 3 thành công, ông về ở trang viên của mình tại Vạn Kiếp.



Tuy nhiên, các Vua Trần vẫn thường xuyên đến vấn kế sách. Ông mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (tức ngày 5 tháng 9 năm 1300), thọ khoảng 70 tuổi. Nhân dân đã lập đền thờ ông gọi là đền Kiếp Bạc.



Gắn với nhiều dấu ấn lịch sử, Côn Sơn - Kiếp Bạc còn được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan kỳ thú, hội tụ nhiều giá trị văn hoá phi vật thể đặc sắc có thể thấy được rõ nét thông qua hai kỳ lễ hội truyền thống mùa xuân và mùa thu.Với những giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc đó, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là Di tích Quốc gia đặc biệt. Và trong Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc mùa xuân 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận Lễ hội mùa xuân Côn Sơn và Lễ hội mùa thu Kiếp Bạc là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tâm An (t/h)
Xem thêm:
Dày đặc các hoạt động trong Hội chợ sách Quốc tế 2015
Đưa chiếu chèo sân đình tới khán giả Thủ đô
Sắp diễn ra hội chợ và lễ hội ẩm thực Hàn Quốc

Theo ngaynay.vn