Nội tạng động vật tuy là món ăn được nhiều người ưa chuộng, nhưng ít ai biết đó chính là sát thủ giết người thầm lặng trong mỗi bữa ăn.


Nhiều người có thói quen và sở thích ăn các món ăn chế biến từ nội tạng và việc sử dụng các thức ăn này quá mức là yếu tố nguy cơ cho các bệnh lý khác nhau như: bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa, đái tháo đường, mỡ máu, gút,..





Nhiều người có thói quen và sở thích ăn các món ăn chế biến từ nội tạng.

Nhất là ở Việt Nam thì nội tạng động vật là loại thực phẩm được sử dụng phổ biến, đặc biệt là nội tạng bò, lợn thường được dân nhậu rất ưa thích. Tuy nhiên, thời gian gần đây có nhiều thông tin cho rằng không nên sử dụng loại đồ ăn này vì nó tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh đối với con người, thậm chí là tử vong sau khi sử dụng.


Theo thống kê, tại Việt Nam, có đến trên 70% bệnh nhân mắc phải bệnh liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh, lòng lợn. Người bị nhiễm bệnh có các triệu chứng viêm não, viêm phổi, viêm cơ tìm, xuất huyết và viêm khớp. Bên cạnh đó, trong ruột, tá tràng, dạ dày… của một số loại động vật là nguồn lây nhiễm vi khuẩn E.coli gây nên bệnh tiêu chảy, tả, thương hàn…


Trước những thông tin trên, người tiêu dùng nên tiếp tục sử dụng hay từ bỏ nội tạng động vật ngay lập tức? Theo các chuyên gia, bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có hai mặt "lợi và hại" và nội tạng động vật cũng không phải là ngoại lệ, điều quan trọng nhất là sử dụng bao nhiêu, sử dụng như thế nào và nguồn gốc của những loại nội tạng đó từ đâu.


Thực ra, không phải ngẫu nhiên mà người tiêu dùng lại đưa ra cảnh báo đó, vì nó hoàn toàn có cơ sở, khi hàng loạt các vụ bê bối liên quan đến nội tạng thối được các cơ quan chức năng thu giữ. Nếu không phát hiện kịp thời, những loại nội tạng đó sẽ được "phù phép" bằng các loại hóa chất rồi đưa vào các chợ, quán ăn, nhà hàng và chắc chắn rằng điểm đến cuối cùng là dạ dày của những thượng khách.


Hơn nữa các bộ phận nội tạng của động vật có nhiều nguy cơ nhiểm bẩn, là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật, vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng... Đặc biệt nội tạng động vật sẽ phụ thuộc vào chất lượng chăn nuôi như ăn phải thức ăn dư thuốc trừ sâu, chì, cadimi, asen... Hoặc người chăn nuôi không tuân thủ liệu trình chữa bệnh như dùng quá nhiều kháng sinh, thuốc tẩy giun sán... sẽ để lại dư lượng hóa chất, đặc biệt ở các nội tạng động vật như gan, thận, dạ dày, ruột non, ruột già.


Không chỉ có vậy, với thói quen sử dụng nội tạng tái của Việt Nam, nguy cơ mắc bệnh là vô cùng lớn, đặc biệt là nội tạng lợn. Điều này đã được minh chứng qua những ca nhập viện và phải tiêu tốn hàng trăm triệu đồng để điều trị, thậm chí là tử vong vì mắc liên cầu lợn, sán lên não...


Tóm lại, đảm bảo chắc chắn an toàn vệ sinh các thức ăn từ nội tạng động vật mới có thể tận dụng được giá trị dinh dưỡng của chúng.


Nội tạng nên được chế biến trong ngày. Để tránh mùi hôi, tanh của tim, gan bầu dục nên cắt bỏ thành phần gây hôi rồi trần qua nước sôi trước khi sử dụng, và tránh mùi hôi của dạ dày, lòng cần bóp muối kỹ và trần qua nước sôi.


An Nhiên





Theo ngaynay.vn