Xem lại một số tư liệu và vựng tập của các triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (TL MTTQ), không thể không nhận thấy sự lặp lại của khá nhiều hiện tượng: Con số các tác phẩm được gửi đến và con số các tác phẩm được chọn bày tại các triển lãm không chênh lệch là bao, có xu hướng phình to; Địa chỉ triển lãm: hầu như không thay đổi, đó là Trung tâm triển lãm VHNT - Hoa Lư, Hà Nội (riêng năm 1980 tại nhà triển lãm Giảng Võ); Cách làm việc không thay đổi: Một danh sách ban tổ chức chỉ đạo (có tính vĩ mô). Phía dưới là hai hội đồng chuyên môn, bao gồm: hội đồng nghệ thuật Hội họa - Đồ họa (chung nhau) và hội đồng Điêu khắc.







Một góc triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010





Trước đổi mới 1986, khi cả xã hội còn trong thời kỳ bao cấp, kinh tế khó khăn, thiếu thốn về thông tin, TL MTTQ gần như được coi là sự kiện mỹ thuật duy nhất tạo điều kiện cho nghệ sĩ cả nước có cơ hội cùng nhau trình làng tác phẩm tốt của mình, có cơ hội gặp gỡ và thấy được toàn cảnh mỹ thuật của đất nước. Khi đó, TL MTTQ từng là ngày hội của giới mỹ thuật, rất khích lệ sáng tạo.
Sau đổi mới, câu chuyện dần khác đi, những TL MTTQ không còn hấp dẫn người xem. Rõ ràng nhất là từ những năm 2000 trở lại đây, TL MTTQ ngày càng trở nên cồng kềnh, tốn kém, mang nhiều bất cập, hiệu quả không tính tới.
Trước đổi mới, các họa sĩ rất hiếm khi có điều kiện triển lãm, một số triển lãm cá nhân hoặc triển lãm nhóm đều dựa vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sau đổi mới, các triển lãm bung ra, các gallery nghệ thuật cũng bung ra. Việc trưng bày không còn khó khăn như trước. Xuất hiện nhiều triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm.
Những triển lãm này, với số lượng tác phẩm vừa phải, có tính chọn lọc, thể hiện rõ nét phong cách cá nhân, rõ ràng chiếm ưu thế và thu hút người xem. Trong khi đó, TL MTTQ ngày càng hỗn độn, rối loạn, khó sắp xếp. Khá nhiều họa sĩ làm việc liên tục, tích cực, có tính chuyên nghiệp, đã dần tìm đến con đường triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm.
Với sự phát triển của truyền thông, internet, văn hóa nghe nhìn thì không chỉ các triển lãm mỹ thuật bị mất đi công chúng mà cả các ngành nghề khác như sân khấu, điện ảnh cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Tuy nhiên, công chúng của mỹ thuật vẫn có, nhưng cũng khắt khe dần lên, khó tính dần lên, không phải triển lãm nào cũng đi xem, cũng theo đuổi kỳ được.
Xem cái gì, triển lãm của ai, có đáng không, công chúng này đều chủ động nắm vững thông tin và quyết định theo sở thích cá nhân. Khi TL MTTQ mất dần công chúng, thì có nghĩa rằng nó đã không còn hiệu quả, không còn hấp dẫn, không còn nằm trong sự lựa chọn của họ, nó cần phải thay đổi cho hay hơn, hợp lý hơn…
Vẫn biết Việt Nam khác với thế giới, song chúng ta nên học tập họ trong các lĩnh vực như: ngành quản lý nghệ thuật, ngành bảo tàng, công việc tổ chức triển lãm, hỗ trợ đầu tư và tuyên truyền cho nghệ thuật… Để làm được việc này, chắc chắn phải cử người đi học để có kiến thức một cách chuyên nghiệp.
Đối với TL MTTQ, ta có thể biến thành festival MTTQ, 5 năm một lần, nhưng với một cách tổ chức mới mẻ hơn chuyên nghiệp hơn, thú vị hơn. Sau các triển lãm mỹ thuật khu vực hằng năm của Hội Mỹ thuật, có thể tận dụng danh sách các tác phẩm tốt, lọt vào giải thưởng để mời tiếp những tác giả - tác phẩm này vào chung kết festival mỹ thuật toàn quốc 5 năm một lần.
Như vậy thì các hội viên có tranh tốt tham gia triển lãm mỹ thuật khu vực hàng năm của Hội phần lớn đã được giải quyết ở khâu này. Ban tổ chức chỉ còn phải xem xét những tác phẩm đến từ những tác giả ngoài Hội. Số tác phẩm này chắc không quá nhiều.
Festival Mỹ thuật toàn quốc nên chia thành ít nhất vài khu vực riêng, dành sân chơi cho cả các hình thức nghệ thuật mới như sắp đặt, trình diễn, video art… Phần hội họa, đồ họa, điêu khắc nên giảm số lượng đi hai phần ba. Chỉ nên trưng bày khoảng trên dưới 200 tác phẩm xuất sắc nhất. (Sau 5 năm triển lãm khu vực ta đã có tối thiểu 100 tác phẩm từ giải thưởng đến khuyến khích trở lên của các hội viên). Chỉ cần chọn thêm bên ngoài gần 100 tác phẩm nữa là đủ. Khi trưng bày thì ít nhất cũng nên tách riêng các tác phẩm này theo chất liệu.
Việc chọn ngay các tác phẩm được giải thường niên của Hội còn cho thấy rõ có sự đổi mới nào trong sáng tạo nghệ thuật của hội viên hay không và trong cách chấm giải của Hội Mỹ thuật có sự lặp lại nào hay không.
Để festival được sinh động, mới mẻ, cởi mở, thu hút giới trẻ và các hình thức nghệ thuật mới, nên mạnh dạn chọn thêm vài nghệ sĩ trẻ có uy tín và có trải nghiệm thực tế làm giám tuyển bổ sung cho các phần nghệ thuật mới… Nói chung giải pháp, sáng kiến sẽ còn nhiều, sẽ linh hoạt, sẽ đến từ chính các nghệ sĩ, nếu lòng người nhất tâm muốn có một festival nghệ thuật đúng nghĩa và hiệu quả cho cả nước, vì sự nghiệp mỹ thuật.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Triển lãm 70 năm Thành tựu Kinh tế - Xã hội Việt Nam chính thức khai mạc
- Á hậu Huyền My là đại diện hình ảnh của Triển lãm Đình làng Việt
- Thấy gì ở hội trợ triển lãm 'Sức mạnh thương hiệu Việt'?




Theo ngaynay.vn