Trước đó, trong tháng 7, Thành ủy Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu từ tháng 8-2015 các cơ quan của thành phố phải hát quốc ca và chào cờ vào sáng thứ Hai hàng tuần. Bởi hát Quốc ca là nghi thức thiêng liêng, thể hiện lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước. Từ khi thực hiện Nghị định 145 của Chính phủ (năm 2013), tinh thần hát Quốc ca đã chuyển biến tích cực, trở thành nền nếp ở nhiều nơi. Nhưng vẫn còn không ít nơi, ở các cơ quan, khi thực hiện nghi thức chào cờ Tổ quốc, vẫn chỉ sử dụng bài Quốc ca được ghi âm sẵn. Và cũng theo yêu cầu của Thành ủy Hà Nội, các trường đại học, cao đẳng, phổ thông trên địa bàn thành phố phải thực hiện chào cờ, hát Quốc ca đều đặn hàng tuần bắt đầu từ lễ khai giảng năm học 2015 - 2016.



Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, ông thực sự xúc động mỗi khi giai điệu về Tổ quốc được cất lên. Mà đặc biệt là MV Quốc ca được thực hiện năm 2014 do hơn 1.000 người tham gia trong đó. Việc có đông đảo các ca sĩ, nghệ sĩ tham gia trong MV Quốc ca ấy giúp cho sức hút cũng như sự lan tỏa trong cộng đồng của giai điệu “Tiến quân ca” sẽ nhanh hơn, xa hơn… Nhưng lâu nay không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa và cũng thuộc lời “Tiến quân ca”.







Hát Quốc ca trong tại lễ Quốc khánh 2015.






Vì thế, việc phổ biến Quốc ca cho các tầng lớp nhân dân là việc làm cần thiết, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Hơn 2 năm trước, Quốc hội cũng đã có quy định trong các cuộc mít tinh, nghi lễ, kỷ niệm, hội họp yêu cầu tất cả công dân Việt Nam phải hát Quốc ca. Chỉ tiếc rằng hiệu quả của việc hát Quốc ca cho đến ngày hôm nay vẫn chưa được như mong muốn.



“Tôi cho rằng, không một loại bản ghi sẵn, nhạc cụ nào có thể thay thế hiệu quả giọng người hát trực tiếp. Bởi khi hát lên, nó chứa đựng tình cảm, biểu lộ lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Và hơn lúc nào hết, ở thời điểm này, mọi người chỉ cần thuộc và hát những giai điệu tự hào của Quốc ca, đã là hành động tăng cường cho khối đại đoàn kết dân tộc”- nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.



Ở năm học trước (2014 – 2015), nhằm chấn chỉnh nghi thức hát Quốc ca trong lễ chào cờ đầu tuần, Bộ GD&ĐT ban hành chỉ thị đảm bảo 100% học sinh, sinh viên phải hát đúng nhạc và lời Quốc ca. Rất nhiều học sinh không hề thuộc lời Quốc ca. Chính vì thế mà để cho việc hát Quốc ca từ bắt buộc sang tự nguyện, đặc biệt là trong giới trẻ, trong giới học sinh- sinh viên, theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thực chất đó là một quá trình nhận thức về lòng tự hào dân tộc. Quốc ca đã trở thành một phần giá trị tinh thần song hành cùng lịch sử dân tộc gần 70 năm qua. Quốc ca là quốc hồn, quốc túy, là tinh thần dân tộc được kết tinh qua giai điệu, lời ca. Âm nhạc ấy, được bao thế hệ người dân Việt Nam hát vang đầy tự hào, đặc biệt là chiến sĩ đồng bào đã đi qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, từng hát, từng nâng niu trân trọng như một vật báu của dân tộc.



Vì thế Quốc ca chính là báu vật tinh thần của người Việt. Hội Nhạc sĩ Việt Nam mong muốn Quốc ca sẽ được phổ biến, truyền dạy một cách khoa học, bài bản đến tất cả các tầng lớp nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đơn cử như trong các chương trình dạy hát trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, thì cần có chuyên mục hướng dẫn hát Quốc ca. Đặc biệt, trong các nhà trường, các thầy, cô giáo phải cho học sinh thấy được việc hát Quốc ca không chỉ là niềm tự hào, còn là vinh dự và trách nhiệm của các em.



Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, cũng cần phân biệt giữa Quốc ca và Quốc thiều. Quốc ca là bài hát mà có cả phần nhạc và lời, còn Quốc thiều chỉ có giai điệu và trở thành bản nhạc không lời mà khi cất lên mọi người thấy được tín hiệu âm thanh về Tổ quốc, về dân tộc mình. Quốc ca và Quốc thiều đều ra đời từ một tác phẩm âm nhạc “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao, một bài ca thể loại hành khúc.



Ngoài việc Bộ GD&ĐT yêu cầu chào cờ và hát Quốc ca trong các nhà trường, sự kiện Hà Nội đồng loạt thực hiện chào cờ và hát Quốc ca đầu tuần tại các cơ quan, trường học, doanh nghiệp… đã và đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Khi được hỏi ý kiến về điều này, nhiều người đồng tình cho rằng lâu nay việc chào cờ và hát Quốc ca đầu tuần chỉ được thực hiện trong các nhà trường phổ thông là chưa đủ.



Bởi đã là người Việt, ai cũng phải thuộc Quốc ca và phải thấy tự hào khi Quốc ca được cất lên thành lời chứ không phải dùng băng ghi âm sẵn có. Vì thế, không chỉ riêng tại Hà Nội mà tất cả các địa phương trên cả nước nên chấn chỉnh việc chào cờ và hát Quốc ca.





Xem thêm:


Đưa chiếu chèo sân đình tới khán giả Thủ đô
Ông hoàng nhạc đỏ Trọng Tấn trải lòng về tuổi thơ đi bắt tôm, móc mua, ăn cơm độn
Chương trình hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi: Linh thiêng gọi tên Tổ quốc
Theo Đại đoàn kết

Theo ngaynay.vn