Năm 2016, những phương thức tuyển sinh theo nhóm như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì sẽ không còn để tránh thí sinh ảo.


Hôm qua 9/5, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ Giáo dục – Đào tạo cho biết, năm 2016, Bộ sẽ gom dữ liệu tuyển sinh của các trường để tổ chức xét tuyển tập trung.




(Ảnh minh họa)

Ông Trinh cho biết, đây là giải pháp kỹ thuật để giải quyết căn bản tình trạng thí sinh ảo của năm 2015. Phương pháp này cũng đảm bảo công tác tuyển sinh công bằng, minh bạch và việc làm này không vi phạm quyền tự chủ của các trường đại học trong tuyển sinh.


Tuy nhiên, trên tờ Tiền Phong, GS Đỗ Văn Xê, ĐH Cần Thơ nhận định rằng việc tuyển sinh là của các trường và Luật Giáo dục Đại học đã quy định rõ điều đó. Bộ không nên làm thay việc của các trường nên quy định dùng phần mềm là không hợp lý.


Về vấn đề thí sinh ảo, GS Xê cho rằng việc tạo ra thí sinh ảo là do Bộ cho phép thí sinh một lúc quá nhiều nguyện vọng. Việc các trường đại học tự đảm bảo việc xét tuyển như các nhóm trường thì Bộ không nên can thiệp.


Trong khi đó, một số trường đại học thực hiện theo quy chế tuyển sinh đã tốn khá nhiều công sức lập nhóm tuyển sinh (điển hình là nhóm GX do trường ĐH Bách Khoa Hà Nội chủ trì) do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga ký xác nhận ngày 31/3 chưa ráo mực thì đã bị hủy.


Lãnh đạo một trường trong nhóm GX cho biết, các trường tập trung hết về Bộ GT-ĐT để xét tuyển chung thì quyền tự chủ tuyển sinh của các trường theo quy định của Luật Giáo dục Đại học ở đâu? Nếu xét tuyển tập trung sẽ không khác so với năm 2015. Thậm chí còn gây nên tình trạng nặng nề với thí sinh và các nhà trường.


Đồng ý với ý kiến trên, PGS.TS Lê Hữu Tập (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), Bộ đã ban hành quy chế tuyển sinh thì không nên sửa chữa nhiều, nhất là trong thời điểm kỳ thi THPT Quốc gia 2016 đang đến gần. Việc sửa chữa có thể khiến thí sinh rối loạn và các trường không chủ động được công việc, Tiền Phong cho biết.


Xuân Bách (tổng hợp)





Theo ngaynay.vn