Hàng loạt doanh nghiệp nông sản thực phẩm VN đang đứng trước nguy cơ phải rút hàng khỏi quầy, kệ của hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, bởi Big C đòi chiết khấu tăng quá ngưỡng chịu đựng.


Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đã có công văn gửi kiến nghị của các doanh nghiệp thủy sản thuộc CLB hàng nội địa VASEP tới hệ thống Big C VN đề nghị không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời giảm tổng mức chiết khấu xuống mức nhỏ hơn hoặc bằng 15%.


Trước đó, các doanh nghiệp thuộc CLB hàng nội địa VASEP đã có buổi họp đưa ra những bất cập và bức xúc về chính sách chiết khấu của các siêu thị, trong đó chiết khấu cao nhất là do Big C đưa ra cho các hợp đồng của năm 2016.


Để vào được hệ thống Big C, doanh nghiệp phải chịu nhiều loại chiết khấu khác nhau như chiết khấu tháng cho cửa hàng, chiết khấu doanh số theo bậc, chiết khấu cho điểm bán mới, chiết khấu sinh nhật (kỷ niệm ngày khai trương của siêu thị)...





Siêu thị Big C bầy bán nhiều hàng ngoại. Ảnh: Tuổi trẻ

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký VASEP cho biết, thời gian qua một số hệ thống siêu thị lớn có sự thay đổi chủ dẫn tới nhân sự và hoạt động chưa ổn định, ảnh hưởng đến hoạt động của cả siêu thị lẫn người cung cấp hàng.


Cũng theo ông Nam, việc tăng chiết khấu các hợp đồng cung cấp hàng hóa năm 2016 như các doanh nghiệp phản ảnh là quá cao.


“Mức ngưỡng chiết khấu để tồn tại trong ngành thủy sản là 15% mà Big C đòi chiết khấu lên đến 17 - 20% là rất cao mà doanh nghiệp chắc chắn lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư” - ông Nam cho hay.


Không chỉ có chiết khấu cao và năm sau được điều chỉnh cao hơn năm trước, doanh nghiệp VN còn phải gánh thêm một rừng phí khác cho nhà bán lẻ.


Có doanh nghiệp phải chịu gần 15 loại phí khi đơn vị này đưa hàng vào Big C, bao gồm: Chi phí tham gia chương trình khuyến mãi, chi phí cho dùng thử sản phẩm, chi phí hỗ trợ cho lễ hội khách hàng, phí hỗ trợ sinh nhật siêu thị, phí tập hợp đơn hàng, phí hỗ trợ khai trương siêu thị mới, chi phí tháng cho việc tham gia chương trình thẻ khách hàng, chi phí tháng cho thương lượng chung, chi phí tháng cho tối ưu hóa sản phẩm, chi phí cho việc nhập hàng mới, chi phí cho thuê mướn vị trí thử mẫu, hỗ
trợ mở rộng siêu thị, hỗ trợ chi phí vận chuyển tháng...


Ngoài chiết khấu và phí hỗ trợ nhà bán lẻ như kể trên, doanh nghiệp cung cấp hàng cho siêu thị còn bị xử ép bởi chính sách tỉ lệ hàng hư hỏng.


Một thành viên của VASEP cho hay trong hợp đồng thương mại, nhà cung cấp đã có điều khoản khoán “tỉ lệ hàng hư hỏng” (thường là 1%), nghĩa là nhà cung cấp đã chiết khấu cho siêu thị 1% doanh số mua vào dù hàng có hỏng hay không.


Thế nhưng trong thực tế thì khi hàng hóa bị hư hỏng thật (không phải lỗi do nhà cung cấp) thì nhân viên đặt hàng của siêu thị vẫn ép nhà cung cấp phải nhận hàng hư về và đổi hàng khác, nếu doanh nghiệp không đồng ý thì siêu thị không đặt đơn hàng mới.


Như vậy, nhà cung cấp vừa phải chịu hết hàng hư hỏng thực tế, vừa phải chịu thêm tỉ lệ khoán hàng hư hỏng theo hợp đồng.


Với những lý do trên, hàng loạt doanh nghiệp nông sản thực phẩm VN đang đứng trước nguy cơ phải rút hàng khỏi quầy, kệ của hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, bởi Big C đòi chiết khấu tăng quá ngưỡng chịu đựng.


Quỳnh Mai (tổng hợp)





Theo ngaynay.vn