Từ nhân viên mát xa đến sinh viên thanh nhạc



Không to lớn, dáng gầy dong dỏng, nét mặt thư sinh, lành lành, buồn buồn, không ai nghĩ chàng sinh viên thanh nhạc năm thứ ba từng có quãng thời gian bươn chải nhọc nhằn. Thành Chung từng phụ xe khách tuyến Hà Nội – Móng Cái, từng phụ xe công ten nơ dọc Bắc Nam, đạp xích lô ở Hạ Long, lại phụ cả quán café và làm nhân viên mát xa chân. Đó là quãng thời gian sau khi học hết lớp 12, Chung từ huyện Hàm Yên – Tuyên Quang đi kiếm việc làm đỡ bố. Trước đó, vừa đi học, Chung cũng vừa xoay sở bán kem dạo, bán máng lợn gỗ dạo, bán cây cảnh dạo, rồi rau cỏ, phụ bố làm mộc, lo cơm nước cho gia đình



Suốt nhiều năm sớm phải lo toan với những việc chân tay ấy, đáng ngạc nhiên là không khi nào Chung bỏ rơi giấc mơ làm ca sĩ. Từ bé cậu chỉ mong lớn lên được hát cho thỏa đam mê. “Có lần đi học về em đi chợ nấu cơm” – Chung kể: “Nhưng ra đến đầu ngõ có cửa hàng điện tử đang mở một bản Romance. Em đứng lại nghe mãi đến hết, ra đến chợ thì hết thức ăn rồi, về nhà em bị bố đánh cho một trận. Những năm đi làm, em cũng tích góp mua những cái đài nhỏ để nghe suốt những bản nhạc mà em thích…”.



Giấc mơ lôi kéo nhiều năm, trở thành động lực giúp Chung dứt bỏ khỏi những công việc đang kiếm được tiền nuôi thân, nuôi em trai đỡ bố để lên Hà Nội ôn luyện và thi vào hệ trung cấp thanh nhạc của Học viện âm nhạc quốc gia Hà Nội. Bây giờ, Chung đã lên năm thứ ba hệ đại học của học viện, được NSƯT Quốc Hưng trực tiếp đào tạo.







Album “Quê hương là Mẹ”.






“Tôi còn nhớ tám năm trước, một lần nhạc sĩ Lại Hồng Phong ở Trường ĐH sư phạm nhạc họa trung ương gọi điện, giới thiệu có đứa cháu say mê âm nhạc, muốn nhờ chú xem khả năng thế nào” – NSƯT Quốc Hưng kể: “Hôm sau Chung đến gặp tôi, tóc để dài nhuộm vàng hoe, áo đen vẽ đủ những hình kỳ quái, lại thêm quần bò rách nữa, vì hồi đó đang phụ xe công ten nơ. Tôi bảo ở môi trường này không thế được, em về thay đổi hình thức đi, mai quay lại ta mới nói chuyện được”.

Hôm sau Chung trở lại, tóc cắt gọn, sơ mi trắng, quần âu, giầy tây, đeo túi trông khác hẳn. Cuộc gặp gỡ thầy trò tiếp nối từ đấy. Và cũng từ lần sửa sang hình thức này mà hầu như suốt những năm về sau, Chung vẫn ăn mặc theo kiểu lịch sự như thế, đến nỗi bạn bè cùng lớp đặt cho biệt danh là Chung trưởng thôn.

Album… nhớ Mẹ

Dịp này, sau thời gian dài học hành và nung nấu, cậu sinh viên quyết… liều làm thật một phen. Chung vừa ra DVD “Quê hương là Mẹ”, là kết quả của rất nhiều động viên từ bố, hỗ trợ kinh phí từ em trai nay đã làm việc khấm khá hơn và muốn giúp anh, từ những tư vấn, hỗ trợ rất vô tư của ê kíp thực hiện như nhạc sĩ Quang Long, đạo diễn Nhật Giang, cùng việc chọn bài, biên tập, góp ý và chỉnh sửa kỹ thuật thể hiện của thầy Quốc Hưng.

Thầy chọn cho Chung sáu bài, đều phù hợp với chất giọng nam trung của học trò mà thầy đánh giá là khá đẹp, đầy đặn và khỏe khoắn cùng sở trường nhạc trữ tình cách mạng của Chung: “Trở về dòng sông tuổi thơ” (Nhạc và lời: Hoàng Hiệp), “Mẹ” (Nhạc: Phan Long, phỏng thơ: Đoàn Ngọc Thu), “Rừng chiều” (Nhạc và lời: Vũ Thanh), “Thời hoa đỏ” (Nhạc: Thanh Tùng, thơ: Nguyễn Đình Bảng), “Anh ở đầu sông em cuối sông” (Nhạc: Phan Huỳnh Điểu, trích thơ Hoài Vũ) và “Khát vọng” (Nhạc và lời: Phạm Minh Tuấn). Trong đó, bài “Anh ở đầu sông em cuối sông”, Chung mời được người bạn là ca sĩ Lương Nguyệt Anh – Giải Nhất Sao Mai dòng nhạc dân gian năm 2013 cùng song ca với mình. Nguyệt Anh cũng hào hiệp giúp Chung, bỏ công ra ghi âm và dành thời gian cùng ê kíp đi ghi hình tại Làng VHDL các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô cả buổi.








Tiết mục song ca của Thành Chung và Lương Nguyệt Anh.





Sáu ca khúc được thực hiện với những cảnh quay rộng lớn của nước hồ, đồng ruộng, núi đồi cùng khuôn viên nhà cũ… ở Đồng Mô, Hồ Tây và về tận Hàm Yên – Tuyên Quang quê của Chung, bởi cậu muốn có quê hương mình, gia đình mình trong ấy. Chung mời cả bố mình vào thể hiện vai người cha trong ca khúc “Mẹ”. Còn người mẹ, cậu phải nhờ một… cô giáo dạy mẫu giáo. Kể lại nguyên cớ việc này, Chung nghẹn ngào: “20 năm nay em không được gọi mẹ…”. Hồi Chung lớp 5 và em trai mới lớp 3, mẹ tự dưng mất tích. Ba bố con mòn mỏi nuôi nhau, chừng ấy năm mẹ chưa từng trở lại. Bố Chung cũng đã có lần tâm sự với thầy Quốc Hưng, không lấy ai khác, chỉ sợ không lo được cho các con thì chúng nó hỏng.








Ca sĩ Thành Chung trong một cảnh quay.





Cho nên, tên album được thầy Quốc Hưng gợi ra đầy ý nghĩa: “Quê hương là Mẹ”. Album là lòng biết ơn bố, biết ơn thầy, tạm coi là thành quả một quá trình học tập và cũng là sản phẩm để Chung mong được xuất hiện trước công chúng, Chung còn coi đó như lời gửi gắm tới mẹ mình ở nơi đâu đó mà cậu cồn cào muốn biết.



Năm thứ ba đại học, ở những chặng đầu trên đường nghệ thuật nhiều thử thách, Thành Chung ra album với những ước mong như thế. Sinh năm 1986, sau nhiều bươn trải, bước được đến ngưỡng cửa nghệ thuật, với Chung có thể hơi muộn so với nhiều bạn khác, cũng chưa góp mặt ở một cuộc thi ca nhạc nào, Chung còn phải nỗ lực rất nhiều, nhất là với ước muốn sẽ tiếp tục học lên cao học vừa theo nghiệp giảng dạy vừa tham gia biểu diễn. Nhưng như cậu tâm niệm, đã nhọc nhằn, đã mong mỏi mãi mới được thỏa nguyện theo con đường ca hát, thì phải đi theo, phải dành tâm sức cho nó đến cùng.
Xem thêm:
Người vợ hy sinh đam mê để chồng thành công của ca sĩ nhạc Cách mạng Đăng Dương
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Thắng: Trái tim tình nguyện “Mãi mãi một màu xanh”
Chuyện ít biết người vợ xinh như mộng của ca sĩ nhạc đỏ Việt Hoàn










Theo ngaynay.vn