Chuyên gia Mỹ nhận định máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-3C Orion hay vận tải cơ đa năng C-130 Hercules là những vũ khí Việt Nam có thể mua nếu lệnh cấm vận được dỡ bỏ.


Các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Tổng thống Barack Obama đang cân nhắc việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam đã tồn tại 3 thập kỷ qua. Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ ngày 10/5 cho biết Washington đang thảo luận trước thềm chuyến thăm chính thức của ông Obama tới Việt Nam vào cuối tháng này.



Trước đó, tờ Diplomat của Nhật từng dẫn các nguồn tin Mỹ và Việt Nam cho biết, việc gỡ bỏ lệnh cấm vận đang được hai bên thảo luận và Washington có thể dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.


Một số chuyên gia nhận định nếu lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ, các vũ khí phục vụ cho phòng thủ trên biển là những thiết bị mà Việt Nam có thể mua từ Mỹ nhằm tăng cường năng lực hải quân.

<h3>
P-3C Orion
</h3>

Máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-3C Orion được dự đoán là vũ khí khả thi nhất mà Việt Nam có thể mua từ Mỹ.


Trước đó, phát biểu trong khuôn khổ triển lãm Quốc Phòng – An ninh 2013 (LAAD-2013) diễn ra tại Brazil, ông Clay Fearnow, giám đốc chương trình tuần tra hàng hải của tập đoàn Lockeed Martin, cho biết Hải quân Việt Nam đang quan tâm tới máy tuần tra hàng hải chống ngầm P-3C Orion và chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ để thỏa thuận được thực hiện.






P-3C Orion là một trong những máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm hàng đầu thế giới. Ảnh: Hải quân Mỹ

Ông Fearnow cho biết thêm rằng nếu thỏa thuận được thực hiện, Lockheed Martin sẽ chuyển giao cho Việt Nam phiên bản sản xuất cuối cùng của P-3C, vì đây là những máy bay được trang bị công nghệ tiên tiến nhất của dòng P-3C Orion.


P-3C Orion được trang bị các thiết bị điện tử trinh sát tiên tiến như radar giám sát hàng hải Raytheon AN/APS-115 và radar tìm kiếm mục tiêu AN/APS-137D(V)5. Đây là một radar khẩu độ tổng hợp với khả năng lập bản đồ mặt đất với độ phân giải cao.


Radar có thể phát hiện kính tiềm vọng của tàu ngầm ở cự ly khoảng 30 km, phát hiện xuồng cứu sinh ở cự ly 60 km. P-3C Orion phát hiện ra tàu ngầm bằng cách đo sự biến thiên của từ trường trái đất hoặc phát hiện kính tiềm vọng hoặc thông qua phao định vị thủy âm AQA-7.


Ngoài ra, P-3C còn có thể phát hiện tàu ngầm qua hệ thống giám sát điện tử ALQ-78 treo ở cánh, hệ thống này sẽ tự động phát hiện các tín hiệu radar do tàu ngầm phát ra và định vị chúng.


Đặc biệt, năm 2005, Lockheed Martin đã giới thiệu gói nâng cấp P-3C Orion block IV với nhiều tính năng ưu việt như trang bị hệ thống tác chiến chống ngầm IBM Proteus AN/UYS-1, radar quét mạng pha điện tử chủ động EL/M-2022 của Israel, bổ sung hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại FLIR, hệ thống phát hiện từ trường AN/ASQ-81 nâng cấp.


Về vũ khí, P-3C Orion có thể mang theo ngư lôi Mk-50 hoặc Mk-46 và bom chìm trong khoang chứa bên trong thân. Các giá treo 2 bên cánh có thể trang bị tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon, tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick với tổng tải trọng lên đến 9 tấn.


P-3C được trang bị 4 động cơ phản lực cánh quạt Allison T56-A-14 công suất 4.600 mã lực/chiếc giúp đạt tốc độ tối đa 750 km/h, tốc độ hành trình 610 km/h.


Máy bay có 5 thùng nhiên liệu bên trong thân và 4 thùng nhiên liệu phụ 2 bên cánh với tổng dung tích 34.800 lít cho tầm hoạt động tối đa 4.400 km ở độ cao 8,9 km hoặc 2.490 km ở độ cao 1,5 km. Thời gian hoạt động liên tục lên đến 14 giờ.

<h3>
Máy bay vận tải đa dụng C-130 Hercules
</h3>

Bên cạnh máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm, phi cơ vận tải quân sự đa dụng C-130 Hercules là thiết bị quân sự chất lượng cao mà Việt Nam có thể mua.


Ông Richard Aboulafia, Phó chủ tịch Teal Groups (tổ chức nghiên cứu thị trường và phân tích quốc phòng, hàng không vũ trụ có trụ sở tại Mỹ), nhận định C-130 có thể phù hợp nhu cầu của Việt Nam trong vai trò như vận chuyển hàng hóa, tìm kiếm cứu nạn hàng hải, tiếp tế đường không và giám sát hàng hải.






Phiên bản AC-130 Gunship bắn pháo sáng trong một nhiệm vụ huấn luyện. Ảnh: USAF

Hercules là một trong những máy bay vận tải quân sự hạng trung phổ biến nhất thế giới. Ưu điểm của C-130 có thể cất hạ cánh ở những đường băng dã chiến nên có thể hoạt động ở những khu vực xa xôi mà các phi cơ vận tải khác khó xoay sở được.


Ngoài ra, phi cơ này có thể thực hiện một loạt các vai trò khác nhau như hỗ trợ hỏa lực tầm gần, tìm kiếm cứu nạn, trinh sát, tiếp nhiên liệu, tuần tra hàng hải, tác chiến điện tử, vận tải quân sự.


C-130 có thể chở theo 64 lính dù, 6 kiện hàng hóa, 2-3 xe thiết giáp Humvee, 2 xe thiết giáp M-113. Tổng tải trọng hàng hóa mang theo khoảng 20,4 tấn.


Trong khi đó, năng lực vận tải đường không của Việt Nam khá hạn chế, chủ yếu là máy bay vận tải An-26 với khả năng chuyên chở khoảng 5,5 tấn hàng hóa. Nếu mua C-130, năng lực vận tải đường không của Không quân Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể.


Theo Zing






Theo ngaynay.vn