Giới trẻ Ấn Độ đang ra sức chi tiền cho các ca phẫu thuật phức tạp và đau đớn bất chấp sự thiếu hụt trong giám sát y tế, trong một cuộc đua nhằm cải thiện triển vọng nghề nghiệp và hôn nhân.







Một ca phẫu thuật kéo dài chân ở Ấn Độ


Bán đất lấy tiền phẫu thuật


Komal (không phải tên thật) chưa bao giờ nói cho bạn bè biết cô đã đi đâu trong 6 tháng hồi năm ngoái. Cô gái 24 tuổi đến từ thị trấn Kota ở phía tây Ấn Độ này đã tới gặp bác sĩ Amar Sarin, một chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình ở Delhi, để thực hiện ca phẫu thuật kéo dài chân thêm 8cm. Đây là một quy trình đau đớn và phải mất tới nửa năm cô mới có thể đi lại được.


Để có tiền cho con gái phẫu thuật, cha mẹ Komal đã phải bán mảnh đất cha ông để lại. Nhưng đối với Komal, số tiền bỏ ra cũng xứng đáng. “Giờ tôi tự tin hơn nhiều. Trước đây tôi chỉ cao 1m37. Mọi người thường trêu chọc tôi và tôi không thể tìm được việc. Bây giờ, em gái tôi cũng thực hiện phẫu thuật như vậy”, Komal nói.


Cao lớn được xem là hấp dẫn tại Ấn Độ. Komal là một trong nhiều bạn trẻ đi phẫu thuật chỉnh hình để cải thiện triển vọng hôn nhân và nghề nghiệp, và điều này khiến ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ bùng nổ.


Tuy nhiên, phẫu thuật kéo dài chân hoàn toàn không được giám sát ở Ấn Độ và nhiều bác sĩ phẫu thuật thiếu kinh nghiệm. “Đây là một trong những loại hình phẫu thuật thẩm mỹ khó khăn nhất, nhưng người thực hiện nó chỉ sau 1 hoặc 2 tháng theo học rồi trở thành bác sĩ mà không qua bất kỳ trường lớp hay khóa huấn luyện phù hợp nào”, bác sĩ Sarin nói.


Mặc dù vậy, các khách hàng trong tương lai có vẻ không nản chí, trong đó có cả những người nước ngoài. Ấn Độ nổi tiếng với đội ngũ bác sĩ được đào tạo tốt và chi phí điều trị rẻ nên thu hút người dân trên khắp thế giới. Ngành công nghiệp du lịch y tế của nước này ước tính đạt 3 tỷ USD, trong đó phẫu thuật thẩm mỹ chiếm phần lớn, với số lượng ngày càng tăng các bệnh nhân đến từ những nước châu Âu, Mỹ và những nơi có chi phí phẫu thuật cao gấp 4-5 lần.


Có thể tàn tật suốt đời


Bác sĩ Sarin bắt đầu thực hiện phẫu thuật cách đây 5 năm, cho đến nay, ông đã điều trị cho 300 bệnh nhân và chỉ 1/3 trong số họ là ở Ấn Độ. “Đó là một xu hướng đang tăng lên ở Ấn Độ. Tôi nhận được khoảng 20 cuộc điện thoại mỗi ngày và mọi người đều mong muốn được cao thêm”, ông Sarin nói. Một người đàn ông trải qua ca phẫu thuật năm 2015 nói rằng ông đã gặp ít nhất 20 bác sĩ trước khi quyết định tiến hành phẫu thuật.


Tháng trước, Ủy ban đạo đức ở bang Andhra Pradesh của Ấn Độ đã triệu tập bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình cho một nam giới 23 tuổi, sau khi có nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại vì sao “một ca phẫu thuật bất thường, mang tính thử nghiệm” lại được phép thực hiện. Nhiều chuyên gia phẫu thuật cho rằng, loại hình phẫu thuật này cực kỳ khó làm, có thể khiến người được phẫu thuật tàn tật suốt đời.


“Chúng tôi không khuyến khích người dân làm phẫu thuật kiểu này, trừ những trường hợp rất hiếm gặp. Những ca phẫu thuật như vậy không được thực hiện thường xuyên và có nguy cơ biến chứng cao”, Tiến sĩ Sudhir Kappor, Chủ tịch Hiệp hội phẫu thuật chỉnh hình Ấn Độ nói.


Phẫu thuật kéo dài chi có từ những năm 1950, bắt đầu từ thị trấn Kurgan ở Siberia, Liên Xô trước đây. Một người Ba Lan tên là Gavriil Ilizarov đã nghĩ ra phương pháp này. Ông từng bị coi là lang băm, nhưng sau đó được ca tụng là “ảo thuật gia ở Kurgan” vì thực hiện hàng loạt ca phẫu thuật chỉnh hình cho nhiều người, trong đó có một vận động viên nhảy cao ở thế vận hội Olympic. Ilizarov không bao giờ dùng kỹ thuật này cho mục đích thẩm mỹ. Ông chỉ thực hiện cho những người bị tai nạn, hoặc
bẩm sinh có tay, chân dài ngắn khác nhau.


Giờ đây, kỹ thuật gây tranh cãi của Ilizarov đang được các bác sĩ phẫu thuật trên khắp Ấn Độ sử dụng, mặc dù có nhiều cải tiến làm cho nó nhanh hơn và ít đau đớn hơn. Bác sĩ Sarin, người từng giành giải thưởng quốc tế về phẫu thuật chỉnh hình, nói rằng ông đã phải trăn trở suy nghĩ đến giá trị đạo đức khi thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên.


“Tôi thường tự hỏi liệu việc mình đang làm có đúng không. Nhưng khi thấy nó nâng cao lòng tự tôn của người bệnh, tôi quyết định tiếp tục”. Tuy nhiên, theo ông, loại hình phẫu thuật này chỉ nên là lựa chọn cuối cùng.


Theo An Ninh Thủ Đô






Theo ngaynay.vn