Đây là dự thảo thông tư liên tịch Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh. Theo đó, thông tư sẽ áp dụng đối với viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh làm việc trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh công lập. Sẽ có hai nhóm thuộc chức danh này gồm đạo diễn và diễn viên với mỗi nhóm có bốn hạng I, II, III và IV.
Nhiều điểm bất hợp lý được thể hiện trong dự thảo với những nhiệm vụ, tiêu chuẩn dành cho các hạng đạo diễn, diễn viên. Như với đạo diễn hạng I, có nhiệm vụ “Chủ trì dàn dựng các chương trình, tác phẩm sân khấu và điện ảnh có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; quy mô lớn, hoành tráng”, đồng thời: “Phát hiện khuynh hướng nghệ thuật mới, xác định khuynh hướng nghệ thuật của chuyên ngành; xác định và chỉ đạo tính thống nhất về phong cách nghệ thuật của đơn vị”.







Cần tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ được thử sức và phát triển





Với đạo diễn các hạng thấp hơn, yêu cầu nhiệm vụ cũng giảm dần. Cách xác định nhiệm vụ này vô hình trung tạo ra sự phân biệt hay đặc quyền. Theo dự thảo, chẳng lẽ chỉ có diễn viên hạng I mới có thể “Đảm nhiệm những vai diễn chính, có diễn xuất nội tâm đa chiều, phức tạp của các chương trình, tác phẩm sân khấu và điện ảnh có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; quy mô lớn, hoành tráng”?
Nếu quá “phân biệt đối xử”, thì các đạo diễn, diễn viên trẻ và mới, biết đến bao giờ mới nhận được cơ hội của mình? Trong khi thực trạng nghệ sĩ trẻ thiếu đất diễn, thiếu vai phù hợp, vắng bóng đạo diễn trẻ... lại đang là điều cần được cải thiện. Cách đánh giá năng lực và những tiến bộ của nghệ sĩ cần được căn cứ vào thực tế công tác qua những sáng tạo và thể hiện hiệu quả trong từng tác phẩm, vai diễn chứ đừng phân chia cứng nhắc như thế!
Đòi hỏi về thời gian thăng hạng càng trở nên áp lực lớn. Theo đó, từ đạo diễn hạng IV lên hạng III phải qua tối thiểu ba năm; lên hạng II phải có tối thiểu chín năm ở hạng III; trở thành đạo diễn hạng I thì cũng phải ở hạng II tối thiểu sáu năm. Cũng gần như tương tự với việc thăng hạng của diễn viên.
Như vậy, có thể hình dung, cùng gọi là đạo diễn hay diễn viên, nhưng theo cách tính này, muốn từ hạng I lên hạng IV, phải mất ít nhất 18 năm. Còn phải kể đến điều kiện thành tích, như diễn viên hạng II phải có ít nhất một giải Vàng quốc gia (hoặc quốc tế) hoặc hai giải bạc quốc gia (hoặc quốc tế); với diễn viên hạng I thì hai giải vàng hoặc một vàng với hai bạc nữa.
Cũng tương tự như vậy với tiêu chí thành tích của đạo diễn. Xem chừng cách phân hạng, thăng hạng và những đòi hỏi này còn hóc búa hơn những tiêu chí xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND vốn đang bộc lộ những hạn chế và gây ồn ào trong dư luận vừa qua. Đòi hỏi cao, thậm chí khắt khe với những người dàn dựng, biểu diễn nghệ thuật nhằm nâng cao trình độ, năng lực; phát huy các tác phẩm, tiết mục, vai diễn tốt là điều cần thiết. Xong không nên định lượng nghệ sĩ như vậy.
Dự thảo còn đưa ra những chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đạo diễn và diễn viên qua các hạng, như một sự “vẽ” thêm ra việc học hay tập huấn, sát hạch và thi thăng hạng có cấp chứng chỉ. Với những đòi hỏi về tiêu chuẩn, thành tích như trên, hãy lường trước khả năng dẫn đến “bệnh chức danh, bệnh thành tích” mà “chất liệu phấn đấu” lại không chỉ bằng thực tài. Bản thân sự ôm đồm rất nhiều đầu việc và những cụm từ được đưa vào phần nhiệm vụ của nghệ sĩ như “quy mô lớn, hoành tráng...” cùng yêu cầu về các giải vàng, bạc trong nước, quốc tế, cũng đã cho thấy cái nhìn nặng về hình thức, thành tích dự thảo này.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Thầy giáo Minh Quân Top 3 Vietnam Idol: Tôi đi thi 'lệch tủ'
- Ca sĩ Thu Phương khuyên khán giả đừng nghe nhạc quá dễ dãi
- Số phận kì lạ của nghệ sĩ cải lương tài năng từng được Bác Hồ tặng trái cam sành




Theo ngaynay.vn