Ở thơ của Sư Giao, người đọc không nghe thấy tiếng ai oán của số phận. Mà ở đó, ta dễ dàng bắt gặp một người đàn ông tràn trề nhựa sống đang vui đùa cùng thơ, vượt qua mọi nghịch cảnh.
Hồn thơ chân quê

Suốt cuộc trò chuyện, ông “đã cụt lại mù” ấy chỉ nói duy nhất và say mê một điều: thơ! Với Nguyễn Sư Giao, thơ như một người tình vậy. Sau một hồi say mê với thơ, ông kể tôi nghe về con người ông, về mảnh đất quê ông, mảnh đất đã tạo cho ông cảm hứng sáng tác thơ tưởng chừng vô tận.







Nhà thơ Nguyễn Sư Giao: “Vui buồn ta bạn cùng ta/ Càn khôn vũ trụ biết là là đâu”.





Cất tiếng khóc chào đời năm 1935 tại làng Tịnh Yên, tổng Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Tịnh Đông Tây, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), Nguyễn Sư Giao đến với thơ từ thủa nhỏ. Chính nhờ sinh ra tại một làng quê nghèo miền trung du xa xôi hẻo lánh, núi non điệp trùng đã làm cho thơ ông chan chứa vị nồng của mùi đất quê hương.
Với bút danh Tụ Vinh (tức nói lái hai chữ Tịnh -Vu là làng Tịnh Yên và sông Vu Gia), phần nào cho thấy trong ông một tình yêu quê hương sâu đậm. Ông tâm sự: “Tui yêu thơ từ thủa nhỏ, chính mảnh đất quê đầy chất thi ca đã đưa tui đến với thơ. Những câu hò khoan sâu sắc, ý nhị, vừa chân chất quê mùa mà không kém phần độc đáo đã ươm mầm thơ trong tui”.
Theo ông, dân ca xứ Quảng thật sâu sắc và ý nhị. Rằng, người con trai ghẹo:

- Nhón chân kêu bớ Ba Mùi/ Đêm khuya thanh vắng cho tui lùi củ khoai.

Không thua kém, người con gái đáp lại:

- Chớ chuyện chi kêu réo Ba Mùi/ Ổng bả muốn ăn thì nấu chứ đừng lùi mà dính tro.











Tập thơ 'Dòng sông trăng' của nhà thơ mù Nguyễn Sư Giao.





<h3 style='text-align: justify;'>Vượt qua nghịch cảnh
</h3>
Thế rồi bất hạnh đã phủ bóng đen xuống đời ông vào năm 1972. Một tai nạn đã cướp đi của ông đôi mắt, một chân và một cánh tay. Dù bị cụt cả tay lẫn chân và không còn nhìn thấy ánh sáng, ông vẫn không nản chí, những vần thơ của ông cứ tuôn chảy trong đêm tối mù lòa, và được vợ con ông chép lại.
Hơn 40 năm qua, bà Trần Thị Xuyến, vợ ông, là chỗ dựa lớn nhất cho những vần thơ ra đời, cùng ông chia sẻ ngọt bùi trong cuộc sống. Ông tâm sự: “Tui với bà ấy như có duyên tiền định vậy. Khi còn trẻ có rất nhiều người đến hỏi cưới nhưng bà không thương ai. Dù biết tui mù lòa lại cụt nhưng bà vẫn trước sau như một, vẫn vẹn tình nghĩa như thủa nào”.
Và rồi ông bộc bạch tấm lòng của mình dành cho vợ: “Nhờ có bà ấy mà con cái tui được trưởng thành cả. Vợ chồng tui có tám người con, bây giờ còn năm, lập gia đình cả rồi. Hơn 40 năm qua, tui không thể tạo ra đời sống vật chất đủ đầy cho các con, tất cả là nhờ bàn tay vợ tui tảo tần khuya sớm. Vì vậy tui làm thơ để mang đến cho cháu con tấm lòng vị tha, nhẫn nại, đến với điều thiện, điều nhân nghĩa,...”.
“Trăm năm tình sử”

Ông làm thơ rất nhiều và rất say mê về thơ. Được sự ủng hộ của một số bạn học cũ, một số bài thơ của ông đã được tập hợp và xuất bản với tên gọi “Dưới trăng” (NXB Thuận Hóa). Đây là tập thơ đầu tiên của ông được trình làng. Tập thơ là thông điệp về tình yêu thương con người, bàn bạc sắc màu thân phận.
Sau khi được xuất bản, tập thơ “Dưới trăng” đã nhận được khá nhiều lời khen, động viên của người đọc. Nhưng với Nguyễn Sư Giao, cả cuộc đời làm thơ của ông đáng kể nhất phải nói đến là tập truyện thơ “Dòng sông trăng”. Tập truyện thơ này là tất cả tâm huyết của cuộc đời ông gửi gắm vào trong từng câu chữ mà ông thường gọi là “Trăm năm tình sử”.
Tập truyện thơ “Dòng sông trăng” gồm 3.456 câu thơ lục bát được ông viết ra dựa trên cứ liệu thực tế ở quê hương ông trong vòng 100 năm (1887-1987). Đây cũng là lý do mà ông gọi “Dòng sông trăng” là câu chuyện về “Trăm năm tình sử”. Tập truyện thơ gồm 7 đoạn chính: Khai nguồn, lướt thác, vượt eo, quanh co, khúc khuỷu, ngoằn ngoèo, về xuôi.
Và mới đây, được sự giúp đỡ của bạn bè cùng những người yêu thơ, tập truyện thơ “Dòng sông trăng” đã được xuất bản. Âu đây cũng là niềm vui nho nhỏ cuối đời cho một “nhà thơ nhân dân” sống trong bóng tối hết lòng với thơ ca.




Ngoài tập thơ “Dưới trăng” và truyện thơ “Dòng sông quê hương”, Nguyễn Sư Giao còn có “Gửi người chưa gặp” (đường thi sướng họa), cùng các tập thơ thiếu nhi “Bé thích vành khuyên”, “Hoa điểm mười”, “Vầng trăng của bé”…




Xem thêm:
Ca sĩ Thanh Lam: “Nghệ sỹ chúng tôi quá đáng thương!”
Hoài Linh: Danh hài hay… khóc?
Gặp gỡ nữ họa sĩ gốc Tày Ngô Bình Nhi


Theo ngaynay.vn