Phóng viên (PV): Mang tranh cát đi biểu diễn ở Mỹ và Canada, nơi có nghệ thuật tranh cát từ lâu, điều gì khiến anh tự tin khi biểu diễn trước quan khách?
Họa sĩ Trí Đức (TĐ): Có thể có người đã từng xem tranh cát trước đây, nhưng xem trên clip thì không thể so sánh khi xem live (trực tiếp) với màn ảnh lớn, âm thanh sống động, âm nhạc được nghệ sĩ biểu diễn với nhạc cụ… Những hiệu ứng này đẩy cảm xúc của khán giả lên rất nhiều.







Họa sĩ Trí Đức biểu diễn tại Mỹ





Thứ hai, trong loại hình này mỗi nghệ sĩ biểu diễn khác nhau, phong cách biểu diễn, kỹ thuật xử lý, cách đặt bố cục, cách dẫn dắt câu chuyện… khác nhau và đem đến sự thú vị cho khán giả. Trong quá trình hơn 10 năm vẽ tranh cát, ở mỗi tác phẩm, tôi biết rõ những đoạn nào mình có thể khiến cho khán giả phải tán thưởng, thốt lên “Ồ”,”À”…
PV: Khán giả của anh gồm cả người Việt lẫn người Mỹ, cách cảm thụ câu chuyện “Nhật ký của mẹ” của họ khác nhau nhiều không khi một bên là sự thân thuộc còn một bên là sự mới lạ?
TĐ: “Nhật ký của mẹ” là câu chuyện về người phụ nữ mang thai, sinh con ra nuôi nấng rồi con lớn khôn, đi xa nhưng vẫn luôn là đứa con bé bỏng trong lòng mẹ… Câu chuyện về tình mẹ luôn là chủ đề lớn và là nỗi nhớ da diết của bất cứ người Việt nào xa quê, xa mẹ. Thế nên, trong các buổi biểu diễn của tôi, các bạn du học sinh đều khóc rất nhiều khi xem “Nhật ký của mẹ” vì họ nói rằng, hình ảnh người mẹ hiện lên trong tranh như thấm vào tim họ.
Với những khán giả Mỹ có mặt, tuy không hiểu được lời bài hát, nhưng giai điệu, cũng như hình ảnh cũng giúp họ hiểu được thông điệp. Với người Mỹ khi con cái đủ tuổi trưởng thành được tự do, cha mẹ không còn ảnh hưởng hay can thiệp vào cuộc sống con cái quá nhiều như lúc nhỏ, nhưng tình thương dành cho con của người mẹ thì ở đâu cũng bao la cả.
Khi buổi biểu diễn kết thúc, nhiều người Mỹ lên bắt tay và khen ngợi, cảm ơn, trong đó có những người là hiệu trưởng một số trường đại học ở Mỹ đã bày tỏ nếu có dịp thuận tiện mời tôi qua thỉnh giảng làm một chương trình ngắn ngày hướng dẫn sinh viên của trường tập vẽ tranh cát .
PV: Chuyến đi đem lại cho anh điều gì đáng nhớ nhất?
TĐ: Tôi cũng đã đi biểu diễn ở nhiều nước, nhưng đây là chuyến đi khiến tôi vui thích và tự hào nhiều nhất. Ở San Francisco, trước những quan khách do thị trưởng thành phố mời, khi tôi vừa biểu diễn xong, MC đã cao hứng đòi thử vẽ tranh cát, và anh ấy vẽ hình những trái tim. Thế là ngay lập tức tôi vẽ tiếp luôn phía dưới những trái tim đó hai bàn tay bắt nhau rất chặt, phía mỗi bàn tay là lá cờ Việt Nam và Mỹ. Tôi vẽ rất nhanh, chỉ khoảng vài chục giây, và khi tôi vừa vẽ xong, cả hội trường tất cả mọi người đồng loạt đứng lên vỗ tay.
PV: Tranh cát rồi đến lúc sẽ không phải là mới lạ nữa, nếu không có sự cải tiến, sáng tạo thì sẽ trở nên nhàm chán. Anh đã nghĩ đến chuyện cải tiến và làm mới cho mình?
TĐ: Ngay khi còn làm rối, tôi đã từng cho rằng rối nước nên có cải tiến nhiều hơn, vẫn 12 trò đấy nhưng chỉ cần đầu tư lại về hệ thống ánh sáng hiện đại cũng tạo ra những thay đổi đáng kể. Với tranh cát, có nhiều xu hướng, có người muốn nó trở nên có mầu sắc, có người tìm cách đưa đèn điện tử vào... Còn tôi xác định phong cách của mình là giản dị, dễ hiểu, đi vào những chủ đề sâu lắng, nên tôi sẽ hướng vào việc nâng cao các thao tác để đem lại hiệu ứng truyền cảm hơn cho người xem.
PV: Xin cảm ơn anh!
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Dài cổ đợi sức bật cho thị trường mỹ thuật
- Thị trường Mỹ thuật Việt Nam: Bán dấm dúi, mua lo lắng
- Những giấc mơ bồng bềnh, rực rỡ của họa sĩ trẻ Đặng Việt Linh




Theo ngaynay.vn