Đã ít lại thêm nhiều trở ngại




Số lượng ít ỏi, điều kiện sống khó khăn, điều kiện học tập, nâng cao kỹ năng, kỹ thuật canh tác, sản xuất hạn chế, nên dù đã được hưởng những chính sách ưu tiên của nhà nước, truyền thống văn hóa của các dân tộc cũng mai một theo những hạn chế chung của cuộc sống.
Lại thêm sự du nhập của các yếu tố văn hóa mới, cùng việc học theo tiếng nói, phong tục của các dân tộc khác đông hơn trên cùng địa bàn, nên nhiều đặc trưng văn hóa của các dân tộc dưới 10.000 người về ngôn ngữ, trang phục, nghi lễ, tập quán sinh hoạt và giao tiếp… bị mài mòn dần.







Lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Vụ văn hóa dân tộc tặng quà cho đồng bào dân tộc rất ít người





Như trường hợp người Ơ Đu ở Nghệ An, việc cưới hầu như bị lai phong tục của người Thái và người Khơ Mú. Cách ăn mặc, ngôn ngữ, sinh hoạt của hai dân tộc này cũng ảnh hưởng đến người Ơ Đu rất đậm. Theo ông Đinh Lầu, thuộc tộc người A-Rem, dân tộc Chứt, hiện là Chủ tịch UBND xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, thời gian gần đây, người Chứt chịu tác động mạnh mẽ về y phục của người Nguồn – một nhóm địa phương của người Việt ở miền tây Quảng Bình, và nhóm Khùa thuộc dân tộc Vân Kiều.
Đáng lo nữa, một số cách làm trong bảo tồn, phát huy văn hóa, do thiếu nghiên cứu, thiếu cố vấn của chuyên gia và chưa thật sự lắng nghe ý kiến của đồng bào, nên không phát huy hiệu quả, gây lãng phí.
Thí dụ như, theo thông tin từ Sở VHTT&DL tỉnh Kon Tum, có những Ngày hội văn hóa các dân tộc, Liên hoan văn hóa nghệ thuật truyền thống các dân tộc cấp tỉnh và khu vực được vận hành không có hệ thống, không có hội thảo khoa học, tổ chức để cho gọi là có, thiếu bản sắc.
Hoặc ở Lai Châu có tình trạng nhận thức sai dẫn đến chỉ đạo sai, đặc biệt là việc đầu tư cho hoạt động văn hóa rất thấp; chi phí cho sự nghiệp văn hóa dựa vào số dân của các huyện trong khi các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa dù số dân ít hơn ở đồng bằng nhưng địa bàn quá rộng, giao thông khó khăn.



Hãy làm gì thiết thực nhất!




Việc giữ lại, lưu truyền những giá trị quý báu trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tín ngưỡng cùng những kinh nghiệm, kỹ năng được đúc kết trong lao động, sản xuất… của các dân tộc có số người dưới 10.000 đặt ra ngày càng gay gắt hơn.
Đặc biệt trong bối cảnh chính bản thân đồng bào cũng khó giữ, cũng bị cuốn hút, ảnh hưởng theo những nét văn hóa mới hoặc khác với dân tộc mình. Các chuyên gia cho rằng, môi trường cho ngôn ngữ của một dân tộc tồn tại phải có khoảng 20 vạn người trở lên. Vì thế, nếu bàn đến giải pháp để cải thiện tình trạng hiện nay, phải có những chính sách đặc thù được thực hiện tốt trong cuộc sống đồng bào.
Theo quan điểm của PGS.TS dân tộc học Lê Ngọc Thắng, cần tạo điều kiện cho bà con được tăng dân số hơn mức quy định chung là mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1 đến 2 con. Nhất là phải quan tâm hỗ trợ đồng bào từ khi mang thai, sinh đẻ đến nuôi nấng. Có thể thể chất con người - chủ thể bảo tồn văn hóa của dân tộc mình mới được nâng lên, TS Thắng nhấn mạnh.
Tại hội nghị - hội thảo “Giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người” vừa diễn ra tại Bộ VHTT&DL, nhiều ý kiến đã tập trung đề nghị Nhà nước chú trọng đầu tư hơn cho các hoạt động kiểm kê, sưu tầm văn hóa truyền thống, di sản; đãi ngộ xứng đáng các nghệ nhân; tăng cường mở các lớp truyền dạy nghệ thuật truyền thống, nghi thức, phong tục của đồng bào…
Đặc biệt là một số kiến nghị về các ngày hội, các liên hoan, cuộc giao lưu…, nên tổ chức ở quy mô nhỏ cấp xã, huyện, có sự vào cuộc của các chuyên gia và đồng bào để đông đảo bà con địa phương cùng được tham gia, nhất là với đồng bào các dân tộc rất ít người. Không nên làm hoành tráng, tốn kém, rầm rộ báo đài nhưng rồi chỉ một số ít người đại diện được tham dự theo những chương trình có tính hình thức, còn cộng đồng thì được góp mặt, không biết ở đó có gì.

16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người, bao gồm: Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo (dưới 1.000 người); Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái (dưới 5.000 người); Lự, Pà Thẻn, Chứt, La Ha, La Hủ (dưới 10.000 người).

Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Hồi sinh những đêm trăng phường vải xứ Nghệ
- Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần 2
- Nhạc sĩ Hoàng Vân đã khỏe lại và nguyện ước cho âm nhạc Việt Nam







Theo ngaynay.vn