Tình yêu nghề vô điều kiện ...

Nghệ sỹ Trần Hạnh, sinh năm 1929, là một nghệ sỹ sân khấu và truyền hình Việt Nam. Ông là một trong những nghệ sỹ ưu tú đầu tiên của Việt Nam (1982 - 1984). Ông nổi tiếng với các vai diễn trong các phim: Bí thư đảng ủy trong 'Làng nổi', bố An trong 'Truyện cổ tích tuổi 17', bố Lài trong 'Tướng về hưu', ông Lâm trong 'Chiếc bình tiền kiếp', bố Mai trong 'Hãy tha thứ cho em' ...



Là một nghệ sỹ có nhiều vai diễn xuất sắc trên sân khấu Nhà hát kịch Hà Nội với nhiều giải vàng, bạc trong các liên hoan sân khấu toàn quốc. Khán giả cuối những năm 70, đầu 80 thế kỷ trước không thể nào quên các vai diễn để đời như: vai Nguyễn Trãi trong 'Lam Sơn tụ nghĩa', vai chính trong 'Tiền tuyến gọi' hay 'Âm mưu và tình yêu' ...
Các vai diễn của ông đậm chất 'nông dân', đi vào lòng công chúng với vẻ hiền lành, khổ hạnh, chất phác như chính cái tên, như chính con người ông vậy.







NSƯT Trần Hạnh chia sẻ cùng phóng viên về tình yêu nghề. (Ảnh: Phong Việt)





Gặp ông trong một chiều cuối hạ, tại một quán tạp hóa nhỏ đường Trần Quý Cáp, gần ga Hà Nội. Kiot nhỏ bày biện đủ thứ từ nồi cơm điện, quần áo, mũ, giày dép ... Ông thường ở đây bán hàng vào buổi sáng, hoặc lúc nào rảnh không đi đóng phim phụ giúp con cái. Ở vào cái tuổi 'xưa nay hiếm' nhưng trông ông vẫn còn nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Bất cứ lúc nào có thư mời diễn là ông lại háo hức đọc kịch bản như lần đầu tiên đi diễn vậy. Nhưng ông cũng rất khái tính: 'Chẳng phải phim nào tôi cũng đi đâu. Còn tùy vào kịch bản, nếu tôi thấy không phù hợp là tôi từ chối'.



Cái khái tính của ông là ông lo mình không đủ cảm xúc, hoặc yêu thích nhân vật theo kịch bản. Mà như thế sẽ làm hỏng bộ phim, hỏng vai diễn - điều mà ông luôn trăn trở. Còn khi đã ưng ý kịch bản rồi, ông luôn nghiên cứu rất kỹ nhân vật. Ông không muốn có sai sót khi mình xuất hiện trước khán giả, đó như một sự thiếu tôn trọng khán giả, thiếu tôn trọng nghệ thuật.



Ông kể có lần đi diễn ở Hòa Bình, vai diễn buộc phải cởi trần tắm mưa. Tiết trời giá lạnh, vị đạo diễn trẻ mặc tới hai cái áo khoác mà vẫn rét run. Nhưng khi diễn ông nhập tâm nên không cảm thấy rét. Hay như những vai nông dân mà ông thường đảm nhiệm. Là trai phố cổ Hà Nội ông nào biết cấy cày, gặt hái hay tát nước gầu sòng. Nhưng qua yêu cầu của bộ phim, ông đã làm việc đó như một nông dân chính hiệu. Người dân xem ông diễn bảo: 'Ông này mà mặc áo nông dân về đây sống thì ai mà biết được ông là diễn viên'.



Khi tôi hỏi ông về catxe cho mỗi lần diễn: 'Các thư mời đi diễn họ hỏi tôi lấy bao nhiêu? Tôi chỉ bảo trả tôi bao nhiêu cũng được, cho nhiều thì tôi ăn nhiều, ít thì tôi ăn rau mắm cũng được ...', nghệ sỹ Trần Hạnh chia sẻ. Với ông, trên đời này còn nhiều người khổ hơn rất nhiều. Ông như thế này đã là sung sướng lắm rồi. Ông chẳng có điều gì thắc mắc hay oán thán. Được đi diễn đã là một niềm vui vô bờ bến.
... và tiếng cười khẳng khái trong góc buồn đời nghệ sỹ

Khi tôi hỏi ông về những góc đời thường 'sau cánh gà' của người nghệ sỹ, ông chỉ cười. Nụ cười của một người đã kinh qua bao hỉ, nộ, ái, ố cuộc đời. Nụ cười đọng lại chút phong thái hào hoa của chàng trai Hà thành năm nào.



Cuộc sống đời thực của ông có khi buồn và khổ hơn trên phim. Cuộc đời ông cũng là một kịch bản mà ông là vai diễn lớn. Những vất vả từ thuở thiếu thời như còn hằn in trên gương mặt đang trầm tư suy nghĩ. Gần chục năm ông phải tự tay giặt giũ, cơm nước, chợ búa, chăm sóc người vợ bị liệt nửa người sau một lần tai biến mạch máu não. Năm 2011, người bạn đời của ông đã ra đi. Niềm tiếc thương và nỗi vất vả chưa dứt, ông lại chăm cậu con trai bị tai nạn xe máy chấn thương sọ não với đồng lương hơn 3 triệu đồng/tháng.







Dù thế nào ông vẫn luôn nở nụ cười khẳng khái.






Từ lúc trẻ đã có bao lời khuyên ông nên nghỉ đi đóng phim, tìm một nghề khác khá khẩm hơn mà bám víu. Ngay cả người vợ đầu gối tay ấp của ông cũng không ít lần nhíu mày cho những lần đi diễn mà catxe chẳng được là bao của ông. 'Thương vợ, thương con nhưng yêu nghề lắm nên cũng đã từng suy nghĩ, đắn đo. Nhưng cái nghiệp này nó đã 'yêu' tôi rồi', nghệ sỹ Trần Hạnh cười. Cũng chính bởi vậy khi vào công việc, vào vai diễn các đạo diễn chỉ thấy còn lại ở ông sự chuyên nghiệp, tài năng và lòng nhiệt tình.
Ông chẳng bao giờ than vãn nửa lời về cuộc sống của mình. Ông nói với tôi rằng ông hạnh phúc bởi ông được sống với đam mê của mình. Cứ mỗi lần dứt câu chuyện ông khẽ châm điếu thuốc. Cũng giọng đều đều kể chuyện nhưng không quên xen vào đó một nụ cười đã quen thuộc với rất nhiều khán giả.



Tôi cảm giác những lúc ông ngồi đây, lọt thỏm giữa kiot nhỏ bé, nhìn dòng người đi lại qua làn khói thuốc là lúc ông thảnh thơi nhất. Rồi lại tất bật trở về chăm con. Trở về căn nhà cũ kỹ mang đầy hoài niệm của người nghệ sỹ già. Chờ đợi những thư mời diễn nhưng phải đúng vai ông thích, đúng vai ông thấy phù hợp. Lòng tự trọng nghề nghiệp đã vậy. Sự khẳng khái trong con người ông càng lớn. Ông chẳng muốn ai cảm thấy ông đáng thương. Ông không muốn mọi người nhắc về những nỗi vất vả, khó khăn của cuộc đời mình. Không muốn nhận sự giúp đỡ của một vài người bạn với những món tiền nhỏ. Ông ít đến những cuộc hội họp, gặp gỡ của các nghệ sỹ bởi không muốn những ánh mắt thương cảm dành cho mình. Nếu đến, ông sẽ chọn một góc khuất để ngồi.
Ông bảo tôi chẳng phải viết gì nhiều đâu. Đừng viết về ông nữa. Hãy viết về những người có nhiều sự cống hiến hơn. Về những người khó khăn và khốn khổ hơn nữa. Rồi bất giác ông lại nở một nụ cười. Tiếng cười quen thuộc của 'lão nông' chất chứa ưu tư nơi khóe mắt. Tiếng cười đầy phong lưu, hào hoa của người Hà Nội chính gốc. Tiếng cười khẳng khái trong góc buồn đời nghệ sỹ.

Xem thêm:
- Nghệ sỹ gàn dở bảy lần xuyên Việt làm từ thiện
- Những nghệ sĩ chuyên vào vai nghèo khổ của màn ảnh Việt Nam








Theo ngaynay.vn