Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bát Xát, bà Sùng Thị Mai trả lời trên Thông tấn xã: 'Khô già già là lễ hội cầu mùa lâu đời và lớn nhất của dân tộc Hà Nhì đen, được tổ chức vào giữa năm (bắt đầu vào ngày Thìn - ngày con rồng) và kết thúc vào ngày Thân (ngày con khỉ) tháng Sáu âm lịch hằng năm'.
Lễ hội Khô già già thể hiện đặc trưng tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, thờ thần rừng, thần nước, thần đất, thần tình duyên của cộng đồng người Hà Nhì, cầu mong cho mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, con người khỏe mạnh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.








Một nghi lễ cúng trong Lễ hội Khô già già ở thôn Lao Chải 1 (Ảnh: Báo Lào Cai).






Nghi lễ quan trọng trọng nhất là mổ trâu hiến tế thần linh. Sau nghi thức này, thịt trâu sẽ được chia đều cho các gia đình trong làng mang về làm lễ cúng tổ tiên, cầu mong tổ tiên bảo vệ gia đình, bảo vệ con cháu trong suốt một năm. Tiếp đó, chủ các gia đình bày đặt lễ vật lên mâm, rồi đội rước mâm lễ từ nhà đến rừng, tổ chức lễ cúng chung của làng, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đến các đấng thần linh, luôn theo sát cuộc sống và che chở, phù hộ cho dân làng. Sau khi cúng tế thần, nhân dân cùng nhau tham gia phần hội với các trò chơi: Đu dây, kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố… Thanh niên nam nữ thể hiện tâm tình của mình qua những câu hát đối đáp giao duyên…



Lễ hội Khô già già của dân tộc Hà Nhì đen hàm chứa các lớp tín ngưỡng, văn hóa sâu sắc, được trao truyền từ đời này qua đời khác, gắn kết các gia đình, thành viên trong cộng đồng dân tộc Hà Nhì đen ở vùng cao Bát Xát. Hiện nay, Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì đen đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn được du khách tới tham quan, trải nghiệm góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân xã Y Tý.








Đông đảo người dân tới thưởng thức lễ hội Khô già già 2015.






Trong lễ hội Khô già già năm nay, nhân dân các dân tộc xã Y Tý, huyện Bát Xát và du khách bốn phương được hòa chung không khí tưng bừng của ngày hội với các trò chơi dân gian hấp dẫn như kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố… Lễ hội Khô già già kéo dài đến hết ngày 16/6 âm lịch, tức ngày 31/7/2015.



Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cũng thông tin với báo chí rằng đây lễ hội phi vật thể thứ tám của Lào Cai được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Bảy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc Lào Cai được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm nghi lễ then của người Tày; Lễ hội Gầu tào của người Mông; nghi lễ cấp sắc của người Dao; Roóng poọc - lễ hội xuống đồng của người Giáy (xã Tả Van, huyện Sa Pa); Lễ Pút tồng của người Dao đỏ (huyện Sa Pa); nghề chạm khắc bạc của người Mông (huyện Sa Pa); nghề Chàng slaw của người Nùng Dín (huyện Mường Khương).



<em style='text-align: left;'>Tâm An (t/h)[/I]

Xem thêm:

Người phụ nữ H’mông năng động mang vải lanh ra thế giới
Hủ tục quái gở: Mẹ lấy chồng, con cũng thành vợ cha dượng
Bê tráp và quan niệm mất duyên





Theo ngaynay.vn