PV: Những suy nghĩ nào dẫn đến việc đưa tuồng xuống phố, thưa ông?
NSƯT Nguyễn Ngọc Tuấn (NNT): Ý tưởng được chúng tôi ấp ủ từ lâu, khi du lịch ở Đà Nẵng còn chưa phát triển mạnh. Sân khấu truyền thống như chúng ta biết, vẫn đang gặp khó khăn. Nhưng qua nhiều năm hoạt động, chúng tôi rút ra rằng, nó không hẳn đã mai một, không hẳn mất khán giả hay người trẻ không mặn mà nữa. Thực trạng này có lý do của nó, và vấn đề là cần đổi mới cách thức tiếp cận khán giả. Không nên đợi người xem đến nữa mà ta phải chủ động đi tìm họ.







NSƯT Nguyễn Ngọc Tuấn





PV: Vậy đâu là những trở ngại khiến tuồng phải tìm hướng đi mới?
NNT: Thời kỳ sân khấu là “thống lĩnh” đã qua rồi, nhiều loại hình giải trí, trong đó có những chương trình miễn phí hoặc phí rất thấp lôi kéo khán giả, nhiều bộ phim hay và dài tập phát sóng thu hút người dân ở nhà ngồi trước vô tuyến hơn là đến rạp. Số người hiểu và có đam mê xem tuồng đa phần đã cao tuổi và điều kiện nhiều khi không cho phép mua vé đi xem tuồng thường xuyên được. Chúng tôi vẫn diễn tuồng phục vụ các lễ hội hoặc khánh thành các nhà thờ tộc họ, nhưng khả năng đóng góp của địa phương rất thấp do đời sống nhân dân còn khó khăn, mà thường phải dựa vào nguồn tài trợ của các con em người Đà Nẵng làm ăn khá giả hỗ trợ quê hương…
PV: Vì thế mà phải tính đến việc đưa tuồng xuống phố, thưa ông?








Một số tiết mục đưa tuồng xuống phố - Ảnh nhà hát cung cấp





NNT: Việc tổ chức cho dân thưởng thức miễn phí là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay với mục tiêu thu hút lực lượng khán giả mới, trả lại không gian biểu diễn dân gian xưa của tuồng truyền thống. Bên cạnh đó còn kích cầu du lịch, tạo thêm điểm đến thưởng thức văn hóa - nghệ thuật cho du khách. Hình thức này đáng được ưu tiên hỗ trợ. Tất nhiên, người ta có thể so sánh, các đơn vị xã hội hóa thì tự lo, tự diễn, còn chúng tôi là đơn vị nhà nước mà vẫn tiếp tục xin bao cấp sao. Nhưng nhìn rộng ra nước ngoài, nghệ thuật truyền thống có thể sống tốt với giá vé cao bởi công chúng có ý thức cao trong việc bảo tồn, tôn vinh “quốc hồn quốc túy”. Còn ở ta, nghệ thuật tuồng đã phải đi qua nhiều đoạn gãy khúc và nay chúng ta phải nối lại những gãy khúc đó bằng việc đưa tuồng đến với mọi người để rồi xã hội mới biết hơn, hiểu hơn và yêu hơn tuồng dân tộc.
PV: Vậy để cuốn hút khi đưa ra rộng rãi và miễn phí, nhà hát đã chuẩn bị “hàng hóa nghệ thuật” như thế nào?
NNT: Chúng tôi sẽ tập trung vào những tiết mục, trích đoạn tuồng ngắn gọn, có tiết mục tuồng hài, thể hiện được sự rực rỡ của phục trang, sự điêu luyện trong vũ đạo, âm nhạc, diễn xuất. Song song với đó là dịch vụ cho thuê ngai, trang phục tuồng để khán giả chụp ảnh. Cũng như đồng thời là việc giới thiệu về những nét đặc sắc trong nghệ thuật hóa trang, trang phục, động tác… của các nhân vật. Chúng tôi sẽ chuẩn bị một kịch mục phong phú để linh hoạt điều chỉnh trong quá trình đưa tuồng xuống phố.
PV: Có thể có băn khoăn về việc diễn ngoài phố rồi thì còn ai vào nhà hát xem nữa, ông có nghĩ đến điều này không?
NNT: Thực tế đã có ý kiến như vậy. Nhưng ý thức được điều đó, chúng tôi có sự phân chia rõ ràng. Tuồng xuống phố ví như một buổi trình diễn của CLB bóng đá với việc “khoe” các kỹ thuật cá nhân điêu luyện. Còn diễn vở trong nhà hát là cả một trận đấu với chiến thuật, đấu pháp của cả đội bóng. Diễn ngoài phố, chúng tôi chọn những mảng miếng đặc sắc, và về một khía cạnh, cũng chính là bắc cầu cho tuồng diễn rạp, bởi làm cho người ta thấy lôi cuốn, thích thú sẽ khiến người ta yêu mến và đến với tuồng nhiều hơn.
PV: Kinh phí cho con đường mới này, thưa ông?
NNT: Chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận quý báu của thành phố và ngành văn hóa. Bước đầu sẽ phải dựa vào bao cấp, hỗ trợ. Còn sau đó, đã có những ý tưởng phải xã hội hóa, nhưng mỗi cách làm phải có thời điểm phù hợp.
PV: Xin cảm ơn ông!

Nhà hát biểu diễn tối Chủ nhật hằng tuần, từ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ, tại sân khấu phía đông bắc cầu song Hàn, trên phố Trần Hưng Đạo. Mở màn có hòa tấu nhạc dân tộc, tiết mục “Lân mẫu xuất lân nhi”. Phần diễn chính gồm năm trích đoạn: Giáo tuồng, “Ông già cõng vợ đi hội”, múa “Trần Quốc Toản” ra quân, trích đoạn “Ôn Đình chém Tá” trong vở “Võ Hùng Vương” của tác giả Nguyễn Hiển Dĩnh, cuối cùng là hòa tấu trống kèn - phóng tác từ trống trận Tây Sơn và khép lại bằng giới thiệu các kiểu mặt nạ tuồng. Trước khi diễn, việc hóa trang, vẽ mặt nạ được thực hiện bên ngoài, có người thuyết trình để giới thiệu rộng rãi với khán giả. Trong suốt buổi diễn còn có người ngồi vẽ mặt nạ tuồng bằng giấy bồi để người xem có thể mua.

Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Ca sĩ Thu Phương khuyên khán giả đừng nghe nhạc quá dễ dãi
- Ca sĩ Tuấn Hưng: Bây giờ, tháo mặt nạ ra…
- Đạo diễn Lê Hoàng: Hồng Nhung “không phải hạng vừa đâu!”




Theo ngaynay.vn