Từ vụ “Ba tôi”


Việc đăng ký bản quyền tác giả sẽ tránh làm phát sinh những tranh chấp không đáng có về thời điểm sáng tạo, cũng như về tác giả, chủ sở hữu của tác phẩm. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được điều này.







Cuốn sách “Cả nhà thương nhau”





Vụ việc giữa họa sĩ truyện tranh Bùi Đình Thăng (Thăng Fly) với tác phẩm “Cả nhà thương nhau” được coi là bị vi phạm tác quyền khi ekip chương trình “Quà tặng cuộc sống” của VTV phát sóng đoạn phim “Ba tôi” có nhiều hình ảnh, lời thoại và ý tưởng giống hệt nhau…
Khi việc tranh chấp chưa ngã ngũ, đơn vị phát hành sách Skybooks và tác giả Thăng Fly đã liên hệ với luật sư và trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả của Hội nhà văn Việt Nam để ủy quyền cho đơn vị này giải quyết vụ việc, đồng thời nhờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào cuộc.







Hình ảnh bị vi phạm





Khi được hỏi trước khi ký hợp đồng với Skybooks để xuất bản tác phẩm của mình (nay được cho là bị VTV vi phạm bản quyền) tác giả đã đăng ký sở hữu trí tuệ cho tác phẩm của mình chưa? Tác giả cho biết mình có đầy đủ bằng chứng để chứng minh đây là tác phẩm của mình nhưng sự thật thì tác phẩm này chưa được đăng ký sở hữu trí tuệ.
Trong vụ việc này, chính tác giả Thăng Fly là người chịu thiệt khi các hợp đồng bị hủy vì thời chậm tiến độ sáng tác (thiệt hại về kinh tế); và ảnh hưởng về tinh thần - khó tập trung cho tư duy sáng tạo để sáng tác. Đây cũng là bài học cho những ai đã và đang không có thói quen đăng ký bản quyền.

Đến thực trạng “lơ là cảnh giác”


Họa sĩ truyện tranh Dương Khánh cho biết, từ năm 2004 công ước Berne xuất hiện tại Việt Nam, trong nước có khoảng 50 họa sĩ truyện tranh sáng tác. Nhưng dần dà, ít ai gắn bó được với nghề. Mặt khác, ít họa sĩ nào đoán biết được tác phẩm mình làm ra có được đón nhận hay không nên ít người nghĩ đến chuyện đăng ký bản quyền. Theo họa sĩ Thành Phong, các truyện của anh đều được đăng ký bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, chúng vẫn bị xâm phạm khi một số trang mạng dùng hình ảnh của anh mà không xin phép. Trong trường hợp này, cá nhân anh phải gửi thông tin đến đối tượng xâm phạm bản quyền và các diễn đàn để yêu cầu gỡ hình ảnh. Tuy nhiên, đó là vi phạm ở mức độ nhẹ, cá nhân họa sĩ có thể giải quyết được. Còn khi sự việc đến mức căng thẳng thì sẽ khó khăn cho việc đòi lại quyền lợi. Thế nên, họa sĩ cho rằng, các tác giả nên đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho tác phẩm khi sáng tác và xuất bản. Điều đó sẽ khiến tác giả yên tâm hơn về tác phẩm của mình, và có bằng chứng pháp lý khi có tranh chấp xảy ra.
Truyện tranh đang có thị trường lớn ở Việt Nam. Từ năm 2014 tới nay, nhiều cuốn sách tranh ra đời đã đạt được những con số xuất bản ấn tượng. Có những cuốn đứng ở vị trí cao trong bảng xếp hạng sách bán chạy. Có tác phẩm ngay từ lần đầu đã in tới hơn một vạn bản, và liên tiếp là sách bán chạy.
Nắm được nhu cầu của độc giả, nhiều đơn vị làm sách đã đầu tư xuất bản dòng sách tranh. Những tác phẩm truyện tranh lại là đối tượng dễ bị vi phạm bản quyền nhất, khi hình ảnh truyện tranh được phát hành dưới định dạng file ảnh trên internet, người dùng mạng có thể lưu ảnh và sử dụng ảnh dưới nhiều hình thức.
Nhưng theo số liệu của Cục Bản quyền, 6 tháng đầu năm 2015, trong 2440 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan được cấp, có 630 giấy chứng nhận cấp cho loại hình tác phẩm viết, chiếm 25,96% (bao gồm loại hình truyện tranh). Cục trưởng Hồ Nguyên Hùng cho biết hiện nay, con số các họa sĩ truyện tranh đăng ký bản quyền tại đơn vị này rất ít.
Vì vậy, các hoạ sĩ truyện tranh cần ý thức hơn nữa về tầm quan trọng của giải pháp bảo vệ hữu hiệu cho đứa con tinh thần của mình. Các đơn vị xuất bản, làm sách nên giúp các tác giả, hoạ sĩ đăng ký bảo hộ quyền tác giả của họ khi xuất bản tác phẩm.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Vẫn nhức nhối bản quyền truyền hình và điện ảnh
- Bản quyền cho nhà văn - Như thế nào và bao giờ?
- Bản quyền SGK: NXB Giáo dục hai lần không trung thực




Theo ngaynay.vn