Với thời đại công nghệ số, với sự dân chủ trong thông tin, hầu như mọi người đều có thể tham gia thể hiện quan điểm của mình vào một sự kiện nào đấy. Thế nên đời sống truyền thông vô cùng phong phú và không kém phần phức tạp.







Bạn đọc cần cẩn trọng trước các nguồn tin quảng bá về sách





Người ta đã nói đến hiệu ứng của thứ truyền thông bất lương hay kích dục thương mại, kiếm lời bằng sự kích thích tâm lý đám đông, đẩy thứ tâm lý này lên cao hòng trục lợi kiếm lời. Hệ lụy của loại truyền thông này là sự chệch hướng của các giá trị. Truyền thông chân chính là truyền thông hướng đám đông vào những giá trị tích cực, phản ánh và lên án cái xấu, cái ác một cách rạch ròi, minh bạch, qua đó thúc đẩy sự phát triển xã hội
Truyền thông bất lương có mặt ở nhiều lĩnh vực, nhưng gần đây, người ta thấy nó hiện diện ở mảng PR sách. Ở Việt Nam hiện nay, các NXB cho ra đời gần 300 triệu bản sách/năm. Không kể đến những người tìm kiếm sách phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu và tài liệu cho công việc, thì số đông khác tìm đến sách vẫn do nhu cầu giải trí. Mà khi cần được giải trí lành mạnh thông qua sách, người đọc sẽ đi tìm định hướng đọc cho mình ở những trang điểm sách của website các NXB, nhà sách và công ty văn hóa, đặc biệt là các trang báo.
Những năm gần đây, đời sống phê bình và điểm sách phát triển. Nhiều vụ việc vi phạm trong hoạt động xuất bản cũng được phát hiện thông qua những kênh này. Tuy nhiên, vẫn thường xuất hiện những bài giới thiệu sách trá hình PR, giật title câu view không đúng sự thật, nhằm tạo cơn sóng truyền thông để kích thích trí tò mò của người đọc, mục đích cuối cùng là tạo được cơn sốt bán hàng.
Một thí dụ điển hình là nhân chuyện cơ quan quản lý xuất bản ra quyết định về sách ngôn tình. Nhằm hạn chế tối đa những sách có nội dung sáo mòn, vô bổ, thậm chí thô tục, phản cảm…, ngay lập tức có những bài báo viết về sách ngôn tình, trong đó có bài viết với title: “Thảng thốt vì sex Việt” với những nhận định vu vơ kiểu: “Sách ngôn tình vẫn tràn ngập trên các quầy sách, hàng loạt cuốn bìa đẹp nhưng đọc thử thì chỉ dừng lại ở cấp độ “nhàm nhàm, nhạt nhạt”, như: “Cô vợ hồ ly ngốc nghếch” (AMAK, NXB Văn học)...” hay: “Đặc biệt, có những bộ sách được bao kỹ lưỡng trong bọc nylon theo bộ ba cuốn chưa thể phát hiện chính xác nội dung bên trong nhưng với cách trình bày bìa thì chắc chắn đối tượng người đọc hướng tới là tuổi nhỏ, vậy mà nhìn cái tựa “Nụ hôn của quỷ” (AMAK, NXB Hội Nhà văn), người đọc đã… mất hồn…” . Ấy thế nhưng cơ quan quản lý kiểm tra thì sự thật thì không phải như vậy. Việc chỉ đích danh tên sách kèm theo những nhận định chủ quan như thế vô hình trung khiến người đọc hoài nghi về mức độ vi phạm của cuốn sách.
Về vấn đề này, PGS Vũ Tuấn Anh, Trưởng ban Văn học hiện đại - Viện Văn học Việt Nam cho biết: “Việc phản ánh về sách ngôn tình nói riêng và các hiện tượng sách sai phạm nói chung cần bàn đến động cơ của người cầm bút. Có trường hợp viết bài về sách nhưng thực chất chưa đọc hết cuốn sách mà mình phản ánh. Cũng có trường hợp biết thừa nội dung phản ánh nhưng cố tình viết với động cơ PR sách. Điều này phải xét đến trách nhiệm và phạm vi của người cầm bút”.
Cũng chia sẻ về nhu cầu đọc sách và cách tìm sách của mình, bạn Thu Hà, sinh viên Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Hầu hết bọn em tìm sách đọc là do nhu cầu học tập và nghiên cứu, còn lại những sách đọc giải trí thì bọn em ra hiệu sách, search trên mạng để tìm sách đang hot để đọc, nên chủ yếu là bọn em chọn sách đang nổi để đọc”.
Vấn đề kích thích tâm lý đám đông trong lĩnh vực xuất bản cũng cần đề cao hơn nữa trách nhiệm và đạo đức của những người làm sách, không nên khai thác xu hướng tâm lý này để trục lợi kiếm lời. Những người làm báo, cần đề cao đạo đức nghề nghiệp, đạo đức của những người cầm bút, không nên cổ súy cho những ấn phẩm nghèo tính giá trị. Mặt khác, cần cẩn trọng hơn khi phản ánh về một hiện tượng sách sai phạm, bởi từ vì mục đích tốt là phát hiện và phê phán cái sai, cái chưa đúng để góp phần sửa đổi cũng như ngăn chặn các hiện tượng vi phạm. Nếu thái quá, sẽ vô tình tiếp tay cho những sách vi phạm này bán chạy hơn vì chạm đến tâm lý hiếu kỳ của độc giả.
Về phía bạn đọc, cần tỉnh táo trước cơn sóng truyền thông, vì đôi khi nó chỉ là hình thức PR ảo. Tốt hơn hết, nên tìm sách đọc xuất phát từ chính nhu cầu tìm kiếm tri thức hay giải trí chân chính và định hướng từ các nguồn thông tin chính thống, được chọn lọc kỹ hơn là sự tác động có thể không đáng được tin cậy từ các nguồn PR bên ngoài.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Tạo góc đọc sách miễn phí: Bạn nhớ cùng tôi viết tiếp ước mơ này
- Học cách đọc sách của một đứa trẻ
- “Rùng mình” khi đọc sách thiếu nhi




Theo ngaynay.vn