Giống chó ngắn đuôi ấy có tự bao giờ, cả bản đều không ai rõ, chỉ biết rằng từ thời cụ kỵ, ông bà thì con vật đặc biệt khôn và trung thành ấy đã đến sống cùng, quấn quýt với đồng bào Mông nơi đây.



Người già ở bản Hố Quang Phìn kể rằng, đồng bào nơi đây xem trọng số 1 là gian bếp, bởi đó là nơi quan trọng nhất, nơi giữ lửa, giữ ấm cho mọi người trong gia đình, linh thiêng tựa gian ban thờ của người Kinh. Bà con coi các vật dụng lao động dựng trong bếp chính là những “vị thần” đã giúp làm ra của cải, nuôi sống họ từ bao đời nay. Cũng bởi vậy nên gia đình nào cũng phải nuôi một con chó ngắn đuôi thật hoàn hảo để trông coi gian bếp. Con vật ấy bao giờ cũng được lựa chọn rất kỹ lưỡng và phải là giống chính tông, chính dòng được biết rất rõ chứ không bao giờ mua ngoài chợ.











Những chú chó được bán tại phiên chợ Bắc Hà, Lào Cai vào mỗi ngày Chủ nhật.






Một con chó thuần chủng trưởng thành có nhiều điểm đặc biệt, gần như không có đuôi, nếu có thì cũng rất ngắn. Nanh của loài chó này thường có từ 6 đến 8 cạnh khác nhau. Tai có hình tam giác luôn dựng đứng, kiểu nằm hai chân sau luôn trong tư thế sẵn sàng tấn công. Tầm vóc của loài chó này trung bình nhưng toàn thân đậm chắc, khung xương rộng, đầu to, thể hình hơi góc cạnh, thiếu các nét thanh tú và mềm mại nhưng luôn bộc lộ các đặc điểm về thể lực rất tốt cũng như khả năng chịu đựng các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.



Để chọn được một con chó ngắn đuôi như ý, bà con trong bản cũng có mẹo riêng của mình theo cách chọn lọc tự nhiên hoặc dùng phương pháp gia truyền. Già làng Sùng Mí Khìa “bật mí”: “Kinh nghiệm chọn chó ngắn đuôi khôn thì cũng có một vài cách nhưng đều gắn với bếp lửa. Cách đơn giản nhất là quan sát con chó mẹ để xác định. Tức là, vào mùa đông, trong cái giá lạnh, có khi dưới 0 độ C của vùng sơn cước, chó con vừa đẻ thường rất dễ bị chết. Con tốt nhất sẽ được chó mẹ cắp vào gần bếp lửa, con ấy sẽ sống và sau này sẽ khôn nhất...”.



Ngoài cách như già Khìa nói, bà con còn có cách lựa chọn chủ động hơn đó là, khi chó mẹ đẻ đàn con ra, đợi ít ngày sau chó đã cứng cáp, gia chủ sẽ đốt một đống lửa to chặn lối ra của đàn chó con và chó mẹ. Lúc này, chó mẹ sẽ rối lên, bắt buộc phải chọn một con ưu tú nhất để thoát ra ngoài. Theo quan niệm của người Mông thì chú chó được mẹ cứu ấy sẽ là chú chó trừ tà, sẽ đem lại nhiều may mắn, bảo vệ được cả gia đình...
Xem thêm:
Khế ước kì lạ khiến trai gái 2 làng 300 năm không thể lấy nhau
Những kiểu phạt “gian phu, dâm phụ” của đồng bào dân tộc thiểu số

Theo Dân Việt


Theo ngaynay.vn