Phóng viên: Lâu rồi không thấy chị xuất hiện trong các tiểu phẩm hài trên truyền hình?
NSƯT Minh Vượng (MV): Tôi đã nghỉ biên chế ở Nhà hát Kịch Hà Nội, nhưng tôi làm việc còn nhiều hơn trước ở lĩnh vực đào tạo và … hát chèo?







NSƯT Minh Vượng





PV: Chị biết hát chèo ?
MV: Ồ, chèo chính là một niềm đam mê của tôi từ hồi còn nhỏ, nhưng tôi chưa có dịp được thực hiện ước mơ. Tôi đã từng thi vào Khoa Chèo năm 1971 nhưng lại có duyên với kịch nói. Rời nhà hát kịch, Giám đốc nhà hát Chèo - chị Thúy Mùi đã cho tôi đầu quân sang nhà hát của chị được… 5 năm rồi. Tôi cũng tham gia làm trợ lý cho đạo diễn Thúy Mùi và đạo diễn Lê Hùng cho vở “Quan của dân nghèo”, “Của thiên trả địa”, và tôi cũng tự viết vở “Những điều ước thần kỳ” phóng tác tự truyện “Cô bé Lọ lem”.
PV: Chị đóng vai gì khi tham gia các vở chèo?
MV: Tôi chủ yếu tham gia các vở chèo cho sân khấu học đường (chương trình của Nhà hát Chèo đã có được ba năm nay rồi). Các vở diễn cho thiếu nhi khoảng 60 phút trong đó nhà hát hướng tới tính nhân văn, nhân đạo, cho các em thấy rõ thiện ác rạch ròi. Tôi có lúc đóng vai chị dâu gian ác trong “Ăn khế trả vàng”, phú ông tham lam trong “Quả táo thần”, có khi lại là con chó thông minh phân biệt rõ đúng sai trong “Cây tre trăm đốt”, hay mụ bán rượu chua ngoa mẹ Lý Thông trong “Thạch Sanh”. Có lúc các em ở gần sân khấu cứ níu tay tôi, chị Minh Vượng ơi chị đừng làm ác thế! Chúng tôi có những sân khấu mở, để các em cùng hòa mình và tham gia vào vở diễn. Mỗi năm nhà hát có một vở dài dành riêng cho các em và nhiều vở ngắn đi diễn tại các trường học, rồi biểu diễn tại các sân khấu quần chúng trong hai dịp lễ lớn cho thiếu nhi là ngày 1-6 và Tết Trung thu. Cứ đến những dịp đó là tim tôi xốn xang, rạo rực, vì cảm giác được gặp và diễn cho các em nhỏ luôn tràn đầy cảm xúc. Mỗi lần gặp các em là những bàn tay xíu xíu huơ lên, vịn vai, kéo áo làm tôi rất hạnh phúc!
PV: Chị yêu các em nhỏ?
MV: Vâng tôi yêu các em lắm, luôn trong sáng, thơ ngây, mở lòng. Ngoài tình yêu, tôi rất mong được truyền cho các em những thứ khác nữa như phân biệt đúng sai, tốt xấu rõ ràng, kỹ năng sống… Trong xã hội hiện nay bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng, tôi nghĩ công tác giáo dục rất quan trọng, kể cả từ lứa tuổi nhà trẻ trở lên. Ngay từ bé nếu các em biết đánh một con chó hay bẻ một cành hoa thì lớn lên sẽ quen với điều ác. Tôi cũng tham gia một số bộ môn cho các em lứa tuổi nhà trẻ tại Trường mẫu giáo Việt - Bun, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm. Ngoài cho các em làm quen với bộ môn diễn xuất, với lứa tuổi nhỏ tôi dạy các em kỹ năng sống và hướng cho các em những suy nghĩ tích cực như làm điều sai phải biết nhận lỗi, không được nói dối, …
PV: Thế còn ở những lứa tuổi lớn hơn, chị thấy các em hiện nay như thế nào?
MV: Lứa tuổi lớn hơn thì tôi chủ yếu tham gia giảng dạy về chuyên môn tại Trung tâm hỗ trợ tài năng điện ảnh trẻ (TPD) và tại Trường cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Ở trường nghệ thuật, hiện nay có nhiều em thích trở thành diễn viên, có ngoại hình tốt. Các em về hình thức so với chúng tôi xưa thì hơn rất nhiều. Thời tôi tuyển 1m54, tôi 1m60 đã là cao so với các bạn, các em giờ 1m65 đến 1m70. Nhưng điều tôi nhận thấy là các em còn ít đam mê với nghề. Nếu để so sánh với thế hệ chúng tôi và trên nữa thì không thể so sánh được, tất nhiên vì mỗi thời mỗi khác, chỉ có thể nói rằng thế hệ chúng tôi thừa đam mê. Còn các em thì tôi chưa thấy nhiều em có được niềm đam mê, chỉ là thích. Để trụ được với nghề này là một điều không hề đơn giản. Năm tôi từng thi tuyển có 4.000 người, tuyển được 40 người, khi vào học rơi rụng 20 người, và giờ trụ lại làm nghề có bốn người là anh Chu Hùng, chị Minh Trang, anh Hoàng Dũng và tôi. Chúng tôi sẵn sàng đi sớm về muộn, vắt mình cho các tiểu phẩm từ năm thứ 1, thứ 2. Cho đến giờ, những người không còn làm nghề khóa tôi cứ ba tháng họp mặt một lần, ôn lại kỷ niệm đã cùng làm tiểu phẩm như những kỷ vật long lanh, và ước kiếp sau sẽ được làm nghề diễn.
PV: Cảm ơn chị và chúc chị luôn mạnh khỏe để tiếp tục đam mê với công việc của mình!
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Thép “tái sinh” trong nghệ thuật của Khổng Đỗ Tuyền
- Đọc thơ Nguyễn Phan Quế Mai để thấy “Tổ quốc gọi tên mình”
- 'Nam Tào' Xuân Bắc: Thỉnh thoảng vợ mắng, tôi vẫn 'vâng ạ'




Theo ngaynay.vn